[Góc nhìn của nhà sưu tập] - Bì thư thực gửi trong các Bộ sưu tập trưng bày

                                                                                                

LTS: Ở giai đoạn khởi đầu của thú chơi tem, người ta chỉ chú trọng tìm kiếm cho có được những con tem bé nhỏ xinh xinh... Họ cố gắng gìn giữ sự vẹn toàn để lúc rảnh rỗi, mang ra ngắm nhìn, phát hiện, thưởng thức… cho hết cái hay vẻ đẹp của chúng với tất cả niềm đam mê bất tận…

Nhưng rồi đến một lúc, chính những con tem đã trải qua hành trình đường thư lại cho ta thấy có “những nét duyên tiềm ẩn”… Vì vậy khoảng những năm 1930 của thế kỷ trước lại rộ lên phong trào sưu tầm “Bì thư”. Nói một cách tổng quát hơn thì đây là những “bao bì bưu gửi” nói chung. Đó là những vật liệu dùng bao gói những đồ vật mang đi ký gửi bưu điện… trên đó có dán tem cước phí, các dấu dịch vụ và địa chỉ người gửi, người nhận… Mặc dù những con tem thường không còn nguyên vẹn như người sưu tầm mong muốn, nhưng địa chỉ, những ký hiệu nghiệp vụ ghi trên đó luôn gắn với một thời điểm và một địa điểm nhất định trong lịch sử. Đó chính là cái hay, cái đẹp của loại vật phẩm này mà người sưu tập muốn khai thác…

Chính vì vậy nên ngay từ cuối thế kỷ XIX, bộ môn sưu tập “bao bì bưu gửi” (“Philatelic Cover”) trên thế giới đã khá phát triển và cũng đã nhanh chóng du nhập vào Việt Nam, nhưng do phong trào chơi tem ngày đó ở ta còn hẹp và yếu nên ít phổ biến…  

Tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi đất nước thống nhất, phong trào tem chơi của chúng ta được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Việc mở ra các triển lãm tem có dự thi đồng thời mở rộng giao lưu với thế giới… đã thúc đẩy nhiều người sưu tập trước nay chỉ lo thu gom và trao đổi tem (collectors) thì nay đến lúc phải tìm hiểu về nghệ thuật xây dựng các bộ trưng bày (exhibits) và các thể lệ quốc tế... Qua đó nhiều người chợt nhận thấy rằng bộ sưu tập (Collection) của mình còn có những mảng trống, đó là các “bì thư thực gửi”… Trước nhu cầu thực tế đó, nhiều người đã xô nhau cùng làm và tìm kiếm các loại vật phẩm này.

Do thiếu sự tìm hiểu và hướng dẫn chu đáo nên không ít người đã bỏ công làm ra những “bì thư” mà họ nghĩ là độc đáo nhưng rồi không sử dụng được…

Bài viết dưới đây, tác giả Tạ Phi Long, người đạt Giải Nhất tại “VietStampex 1995” năm xưa và cũng là người đã từng tham dự một số Triển lãm Tem Quốc tế và đã đạt giải sẽ chia sẻ cùng các bạn đôi điều cần lưu ý khi đưa ra trưng bày các bì thư thực gửi.

Tạp chí Tem hy vọng nhận được nhiều ý kiến bàn luận từ bạn đọc về nội dung trên cũng như những vấn đề xoay quanh việc “Làm thế nào để xây dựng một bộ trưng bày tham gia dự thi” nhằm làm sáng tỏ thêm những việc cần làm phục vụ  việc tham gia các triển lãm tem tiến tới Triển lãm Tem toàn quốc VietStampex 2020 cũng như tham gia các triển lãm trong nước và quốc tế tiếp theo.

 

Sưu tập bì thư thực gửi là loại hình sưu tập rất được ưa thích ở các nước có phong trào sưu tập tem phát triển mạnh, còn ở Việt Nam thì chỉ mới được nhiều người biết đến vào khoảng thập niên 90 trở lại đây. Chính do sự xuất hiện muộn màng mà cho đến nay trong giới sưu tập Việt Nam có nhiều ý kiến, tranh luận khác nhau về nó. Đối với những nhà sưu tập cao niên mà đã quen với việc tỉ mỉ chăm chút vào chất lượng từng con tem thì sẽ rất khó để thích ứng được loại hình sưu tầm này vì các bì thực gửi sau quá trình vận chuyển thường bị cũ kỹ, hay có khi có những vết rách trong quá trình mở xem thư. Một số người khác thì không thích vì cho rằng kích thước các bì thư sẽ choán quá nhiều không gian trong bộ trưng bày.

Nhiều nhà sưu tập hiện nay khi làm bì thực gửi thường chỉ chăm chú dán tem cho đủ bộ, mà không quan tâm đầy đủ đến những quy định hiện hành của cơ quan bưu chính sở tại. Ví dụ như các loại bì gửi không đúng với cước dịch vụ hiện hành, dư cước quá nhiều (các bì gửi dạng này nếu sử dụng để trưng bày dự thi thì dễ bị trừ điểm vì nó thể hiện quá rõ sự thiếu hụt hiểu biết về kiến thức bưu chính của bạn trước các giám khảo).

Việc sưu tập bì thư thực gửi rất phức tạp và đòi hỏi rất nhiều công phu nghiên cứu.

Mỗi bì thư thực gửi có thể mang theo nó rất nhiều thông tin đa dạng ngoài con tem, đều có một cuộc sống riêng phong phú. Sự hiểu biết rõ ràng rành mạch về những vật phẩm sở hữu được càng chi tiết, sâu sắc càng cho thấy trình độ và đẳng cấp của nhà sưu tập.

Do có nhiều ưu điểm như vậy mà sưu tập bì thư thực gửi được hầu hết những nhà sưu tập tem lâu năm trên thế giới hiện nay công nhận là một trong những lĩnh vực sưu tập kỳ công nhất trong sưu tập tem. Cho dù là thuộc loại hình sưu tập nào, việc sưu tầm sở hữu được những chiếc bì thực gửi có giá trị cao không hề là điều dễ dàng, đòi hỏi đẳng cấp và trình độ của người sở hữu được chúng.

Trong các cuộc triển lãm tem của thế giới hiện nay, bất kể thuộc thể loại trưng bày nào, bì thực gửi vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng trong các bộ trưng bày dự thi. Ví dụ như trong thể loại Lịch sử bưu chính, đối với những người đi xem triển lãm là những nhà sưu tập lão luyện (hay các giám khảo), họ thường rất hứng thú khi xem một bộ sưu tập có nhiều bì thực gửi hay, chứa đựng nhiều yếu tố bưu chính, hoặc những phát hiện mới về lịch sử, về bưu hoa… Tuy nhiên có một số nhà sưu tập, do may mắn, có thể tình cờ sở hữu được những bì hay như vậy, nhưng do không biết hay không thể thuyết minh được đúng thì cũng khó có được điểm cao về kiến thức sưu tập.

Có thể nói, bì thực gửi là thước đo chính xác nhất để đánh giá trình độ và kiến thức của người sưu tập dự thi.

Riêng đối với các thể loại sưu tập chuyên đề, thì số lượng bì thực gửi chỉ được giới hạn ở mức thấp (không nhiều), tuy nhiên, sự đa dạng và cân đối của một bộ sưu tập vẫn có những đòi hỏi bắt buộc phải có những bì gửi của chuyên đề, và đó phải là những bì rất hay, phù hợp với chuyên đề và có sự tuân thủ hợp lệ hoàn toàn theo các nguyên tắc bưu chính. Do trình độ chơi tem ở Việt Nam còn chưa phát triển, phần lớn chỉ sưu tập thể loại chuyên đề nên nội dung bài viết này và các ví dụ minh họa là chỉ nói riêng về các bì gửi trong bộ dự thi chuyên đề (tất nhiên, cần hiểu rằng: có những loại bì không thích hợp cho bộ sưu tập chuyên đề, nhưng ngược lại đó lại là những bì rất hay, rất có giá trị ở thể loại cước phí bưu chính, hay thể loại Lịch sử bưu chính…).

 

Một số ví dụ về bì thư thực gửi ở ta hiện nay:

Dạng bì thực gửi không nên sử dụng trong bộ trưng bày, vì tuy có qua mạng bưu chính nhưng không hợp lệ như “địa chỉ không đầy  đủ”,  “tem không có giá trị để gửi thư quốc tế”

Bì thư thực gửi tuy đã qua mạng bưu chính nhưng bộc lộ ý định không chỉ nhằm mục đích để chuyển thư mà cố tình tạo một phong bì dùng cho mục đích khác. Việc dán thêm 2 “tem binh sỹ” trong trường hợp này là hoàn toàn không cần thiết. Dạng bì thư này không nên sử dụng cho bộ trưng bày.

        

2 bì thư thực gửi khó sử dụng trong các bộ trưng bầy chuyên đề do có nhiều loại tem có thể sử dụng cho nhiều chuyên đề khác nhau, nếu có sử dụng trong các bộ trưng bày chuyên đề cũng sẽ bị đánh giá là các vật phẩm ít giá trị. 

 

 

(Tạ Phi Long - Tạp chí Tem số 157).


See more news