Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích, đến khi thi Hương mới lấy tên là Trần Tế Xương. ông sinh ngày 10/8/1870 tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là người rất thông minh, tính tình thích trào lộng. Cuộc đời lận đận về đường khoa bảng, tám khoa thi đều hỏng nên dấu ấn thi rớt in đậm nét trong tiềm thức của Tú Xương. Có thể nói, việc hỏng thi và cảnh nghèo của gia đình là nguồn đề tài phong phú trong sáng tác của Tú Xương. Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ chế độ thực dân nửa phong kiến, Tú Xương đã ghi lại rất sinh động và trung thực bức tranh xã hội buổi giao thời ấy và thể hiện khá rõ tâm trạng của mình trong các tác phẩm, có tác dụng như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội thực dân nửa phong kiến giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông, ngày 20/1/2007, Bộ Bưu chính, Viễn thông phát hành bộ tem“Kỷ niệm 100 năm ngày mất Trần Tế Xương (1870 - 1907)”, 01 mẫu (3417), giá mặt 1.000đ. Bộ tem thể hiện chân dung nhà thơ kết hợp với phần nền là hình ảnh người vợ tảo tần của ông - người có ảnh hưởng rất lớn trong các sáng tác của Trần Tế Xương