Dưới sự cai trị ác độc và bóc lột hà khắc của quân Đông Hán ở nước ta (lúc bấy giờ là người Việt sống tại Giao Chỉ), không chịu khuất phục, khoảng năm 39-40, Trưng Trắc (con Lạc tướng ở Mê Linh) cùng chồng là Thi Sách (con Lạc tướng ở Chu Diên) cùng các Lạc tướng khác chuẩn bị nổi dậy, nhưng chưa kịp thì Thi Sách bị thái thú Tô Định bắt và giết chết. Để giúp nước và trả thù nhà, tháng 3 năm 40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã phất cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chống lại quân Đông Hán, được nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Quân Hai Bà vây đánh giặc ở Luy Lâu, Tô Định thua phải chạy về Nam Hải - Trung Quốc. Chiến thắng vang dội, Hai Bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam và lập kinh đô tại Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ (là đất Bắc Bộ nước ta và một phần phía tây nam tỉnh Quảng Tây Trung Quốc hiện nay và tự lập làm vua xưng là Trưng Nữ Vương (hay Trưng Vương). Hai Bà xưng Vương được 3 năm, thì bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện kéo quân sang đánh bại, không chịu đầu hàng Hai Bà đã nhảy xuống sông Hát tự trẫm để bảo toàn khí tiết. Hình ảnh này sống mãi cùng đất nước. Nơi Hai Bà tuẫn tiết, nhân dân coi là thánh tích, lập đền Hát Môn để thờ . Ngày nay, đền Hát Môn cổ kính với nhiều hàng cây cổ thụ, khung cảnh trang nghiêm yên tĩnh quanh năm, là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại QĐ số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013. Tem Bưu chính Việt Nam tính đến nay chỉ có 1 bộ duy nhất kỷ niệm về Hai Bà. Đó là bộ tem "Hai Bà Trưng" phát hành 14/3/1959 gồm có 2 mẫu cùng hình ảnh Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi, khác màu, giá mặt 5x và 8x. Bộ tem do hoạ sĩ Nguyễn Văn Khanh thiết kế. Đây cũng là bộ tem đặc biệt đầu tiên đổi giá mặt từ đơn vị đồng chuyển sấng giá mặt tính bằng xu.
Hai Bà được coi là anh hùng dân tộc, Trưng Trắc là vị nữ Vương đầu tiên và duy nhất ở nước ta. Gương anh liệt của Hai Bà luôn là tấm gương sáng cho Phụ nữ Việt Nam học tập và noi theo. Noi gương sáng Hai Bà, các em cố gắng vượt khó, vươn lên trong học tập và lao động… các em nhé.