Con tem đầu tiên ra đời vào năm 1840 tại Anh Quốc giải quyết vấn đề thanh toán cước phí vận chuyển thư tín. Sau một thời gian phát hành tem, người ta đã phát hiện ra rằng: Ngoài chức năng thanh toán cước phí thuần túy, đó còn là chức năng về thông điệp văn hóa trên tem. Từ đó, hàng loạt dữ liệu văn hóa lịch sử của nhiều quốc gia đã lần lượt được khai thác để chắp cánh cho thương hiệu quốc gia sở tại đến với các quốc gia khác trên địa cầu. Quá trình phát triển của tem thư bưu chính dần dà cũng gắn liền với loại vật phẩm để sưu tập, tạo thành thú chơi tem thông qua các Câu lạc bộ, Hội tem và Hiệp hội chơi tem trên toàn thế giới. Chơi tem, sưu tập tem, triển lãm tem trở thành một trào lưu xuyên quốc gia, đưa con người xích lại gần nhau trên một tinh thần cộng sinh văn hóa. Nhưng có người sẽ đặt câu hỏi rằng: Từ khi có điện thoại, sau đó là internet rất phát triển, giao dịch thư từ bưu chính giảm sút hẳn, nhiều người gần như xa lạ với việc viết và gửi thư tay, ngay cả hàng hóa cũng có thể mua bán ở trên mạng… Vậy thú chơi tem có bị triệt tiêu hay không?
Nhà sưu tập tem Nguyễn Hiếu Tín
Nhà sưu tập tem Nguyễn Hiếu Tín - Ủy viên Ban chấp hành Hội tem thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Mỗi con tem được đánh giá như một chứng minh thư của mỗi dân tộc, ghi nhận lại lịch sử văn hóa và nhiều yếu tố của mỗi quốc gia. Nên khác với các loại hình nghệ thuật khác, bản chất của tem đó là nghệ thuật bởi trước hết nó là một tác phẩm hội họa nhưng cao cấp hơn ở mức độ vừa tinh vi vừa khoa học, phải chính xác từng chi tiết một và được thẩm định bởi một hội đồng riêng. Ở một góc độ khác, tem hàm chứa cả hai yếu tố nghệ thuật và khoa học, họa sĩ có thể bay bổng nhưng chừng mực, riêng định lượng thông tin trên Tem phải chính xác vì nó có tên quốc gia - tên đơn vị tiền tệ - có những thông điệp đính kèm để các quốc gia khác có thể hiểu được.
Với tư cách tác giả tập sách Tem thư - Nghệ thuật - Khoa học (do Nhà Xuất bản thông tin và truyền thông ấn hành), Nguyễn Hữu Tín từng sở hữu thành tích đáng nể: 5 lần giải nhất triển lãm Tem trẻ toàn thành (2000-2004); Giải Danh dự triển lãm Tem bưu chính Đồng bằng Sông Cửu Long (2002); Huy chương Đồng triển lãm Tem quốc tế (Bangkok - Thái Lan 2007). Anh còn là giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng - thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm của 6 đầu sách về văn hóa tạo được sự quan tâm của dư luận. Với nhà giáo kiêm nhà sưu tập đa năng này, giá trị giáo dục của tem thư cũng cần được quan tâm trong tình hình hiện nay.
Thạc sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tín giải thích: Khi internet phát triển, người ta chuyển hướng sang việc chơi tem trên mạng, các thông tin truyền tin bị giới hạn bởi thư viết tay được thay thế bằng thư điện tử làm cho tính chất thiêng liêng của thú chơi tem bị giới hạn và giảm sút. Tuy nhiên, với một số người chơi tem thì đó lại là điều có lợi, vì đối với nhà sưu tập, vật nào càng hiếm thì càng quý. Tuy số lượng người chơi thu hẹp nhưng giá trị kinh tế lại được nâng cấp, lẫn giá trị kiến thức - lịch sử của dòng tem bưu chính. Chỉ có điều người ta vẫn chưa nhận thức đúng giá trị đích thực của tem, ở các nước phát triển, tem trở thành một môn học (bắt buộc hoặc tự chọn) - một công cuộc giáo dục trực quan, nhất là với trẻ nhỏ vì nội dung hình ảnh của tem kích thích sự ham hiểu biết. Đây cũng là một gợi ý đối với việc giáo dục văn hóa và lịch sử mà không bị khô cứng hay áp đặt trong bối cảnh hiện nay của đất nước.
Đi tìm tem là quá trình sưu tầm, từ sưu tầm đến sưu tập đã là một cú nhảy vọt. Nhưng người sở hữu một bộ sưu tập hoàn chỉnh có nghĩa là người chơi đã tương đối hoàn thiện về kiến thức, họ buộc phải có tư duy tốt trong hành trình khám phá. Đó cũng là cơ sở khoa học của thú chơi tem, mặt khác, mỗi một con tem đã dung chứa một dung lượng khoa học và nghệ thuật giúp người chơi có được tư duy phân tích cụ thể từng thông điệp tiềm ẩn. Ở Việt Nam, việc chơi tem cũng có nhiều mục đích khác nhau: Chơi như một thứ văn hóa tao nhã, chơi như đồ cổ… do vậy chưa đẩy tới một mục tiêu chung là giáo dục văn hóa. Chơi tem không bị giới hạn bởi độ tuổi và không gian thời gian nên đây là một đặc điểm vượt trội để trở thành vật phẩm ngoại giao văn hóa…
“Cả nước hiện có 32 hội tem ở các tỉnh, thành với trên 250 Câu lạc bộ sưu tập tem, khoảng 7.000 hội viên chính thức và chừng 25.000 người yêu thích sưu tập tem. Nếu chức năng giáo dục văn hóa qua tem được quan tâm nhiều hơn thì chơi tem sẽ trở thành một công cụ sinh động và đắc lực, nhất là với giới trẻ học đường” - nhà sưu tập Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh thêm.
Dù bất chợt hay tình cờ bắt gặp một con tem ngẫu nhiên nào đó trên một cánh thư nào đó…, xin bạn chớ bỏ qua vài phút để cùng chiêm nghiệm, suy ngẫm về nhịp đời đang tuôn chảy qua từng cánh tem thư. Đó cũng là một phần của di sản văn hóa, một phần của giá trị cuộc sống mà có lúc vô tình hay hữu ý, dễ thường ai đó đã lãng quên…
MINH LÂN/Báo Lâm Đồng