Hà Nội qua các bộ tem

Lịch sử trên những lá thư

So với các tỉnh thành trên cả nước thì Hà Nội là thành phố có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, thắng cảnh với không ít công trình còn nguyên vẹn và có giá  trị. Điều đó cũng dễ hiểu vì nơi đây xưa kia là Kinh đô, rồi Thủ đô. Thế nhưng từ năm 1886 cho đến khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, những con tem phát hành trên toàn Việt Nam của Chính phủ bảo hộ hầu như không có đề tài lịch sử chống ngoại xâm hay đề tài văn hóa dân gian.

Như để bù đắp lại, chỉ tính trong 65 năm (tính từ 1945-2010), ngành Bưu điện đã phát hành hơn 60 bộ tem với  trên 100 mẫu về Thăng Long - Hà Nội, đứng đầu cả nước về đề tài tỉnh thành. Tem là hình thức bảo chứng cho bức thư, nhưng giá trị của con tem lại nằm ở nội dung thông qua nét vẽ, bố cục, tính độc đáo. 

Về đề tài lập Kinh đô Thăng Long có 3 bộ phát hành vào dịp kỷ niệm 950, 990 và 1.000 năm. Các bộ tem thể hiện cô đọng hình ảnh Thăng Long - Hà Nội, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, làm bật lên niềm tự hào của nhân dân Thủ đô. Ngoài ra, còn nhiều tem đẹp gợi ký ức về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng. Hình ảnh rồng vàng ngậm ngọc uốn khúc uy nghiêm bay lượn trên Hoàng thành dịp 10-10-1960, rồng đá Điện Kính thiên gợi nhớ mùa thu năm 1010 khi Vua Lý Công Uẩn rời Hoa Lư giong thuyền ra Đại La. 

Đề tài lịch sử chống ngoại xâm cũng là mảng đề tài lớn, thông qua hình ảnh các anh hùng dân tộc là Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... gợi  nhớ công  lao  của tiền nhân đánh giặc để bảo vệ đất nước, xây dựng Thăng Long. Đề tài lịch sử Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng có hàng chục bộ tem, mẫu tem như: chiếm Phủ Khâm sai 19-8-1945 (phát hành năm 1958), ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945 (phát hành năm 1946 và 1970); Hà Nội 12 ngày đêm  Điện Biên Phủ trên không (phát hành  năm 1987)... 

Viết tiếp dòng chảy Thủ đô

Nhưng sự kiện giải phóng Thủ đô 10-10-1954 được đưa vào tem nhiều lần nhất vì nó là  thay đổi có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Trong bộ tem giải phóng Thủ đô có cảnh hồ Gươm, tháp Rùa với cờ Tổ quốc tung bay, chim bồ câu chắp cánh, cận cảnh là anh bộ đội trẻ đội mũ bọc lưới, quân phục đơn sơ, vai đeo súng, bên kia kiệu em bé bụ bẫm, bên cạnh là bé gái vỗ tay hân hoan. Bộ tem kỷ niệm 15 năm giải phóng Thủ đô (phát hành năm 1969) có hình ảnh tự vệ Thủ đô quyết tử cầm bom 3 càng giữa phố phường lửa cháy và hình ảnh bé trai, gái xếp hình cột cờ phía sau công trường xây dựng nhộn nhịp. 

Cùng với kháng chiến chống thực dân giành độc lập, bảo vệ độc lập, đề tài về xây dựng miền Bắc, xây dựng Hà Nội sau 1954 cũng được các họa sỹ đưa vào tem. Đó là những công trình mới như đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan (phát hành năm 1956), Nhà máy cơ khí Hà Nội (phát hành năm 1958), sân vận động Hàng Đẫy (phát hành năm 1958), khu tập thể Kim Liên và  Học viện Thủy lợi (phát hành năm 1962), hội trường Ba Đình (phát hành năm 1964), Cung thiếu nhi Hà Nội (phát hành năm 1978)...

Hình ảnh của những con tem thường gắn với những sự kiện lịch sử, văn hóa

Các công trình tôn giáo có giá trị kiến trúc với tính thẩm mỹ cao như chùa Một Cột, chùa Láng, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ô Quan Chưởng... cũng trở thành đề tài của tem. Cùng với kiến trúc dân gian truyền thống, các bộ tem còn đưa vào các công trình có kiến trúc Pháp nổi bật như Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử, Phủ Chủ tịch, cầu Long Biên... Các họa sỹ cũng không quên hồn cốt dân gian Thăng Long qua tranh Tố nữ, Ngũ hổ,Tứ quý... của dòng tranh Hàng Trống độc đáo.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Trong hành trình tạo dựng lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua tem để thế giới và người dân trong nước biết thêm về Thủ đô có công lao đóng góp rất lớn của các họa sỹ nhiều thế hệ. Đó là lớp họa sỹ lão thành tên tuổi gồm  Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Thế Vinh... Lớp họa sỹ chuyên thiết kế tem có uy tín gồm Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương, Nguyễn Hiệp, Trần Ngọc Uyển... hay trẻ hơn như Nguyễn Thị Sâm, Trần Thế Vinh, Đỗ Lệnh Tuấn, Hoàng Thúy Liệu ,Võ Lương Nhi,Vũ Kim Liên...

Có người nói rằng, để hiểu lịch sử Hà Nội cần rất nhiều thời gian để đọc sách, đi bảo tàng, tham quan di tích, nhưng có một cách để hiểu nhanh đó là xem các bộ tem về thành phố này. Nhận định ấy quả không sai và ngày hôm nay ngành bưu chính vẫn tiếp tục phát hành những bộ tem mới về Hà Nội.  

Báo An Ninh Thủ đô


See more news