Anh hùng Nguyễn Viết Xuân - Đề tài tem được phát hành liên tiếp ba năm

Anh hùng Nguyễn Viết Xuân   - Đề tài tem được phát hành liên tiếp ba năm

 

Cách đây 55 năm, trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, Mỹ huy động nhiều máy bay đánh phá ác liệt vùng Tây tỉnh Quảng Bình. Khi đó Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 thuộc Sư đoàn 325 đang làm nhiệm vụ bảo vệ Binh trạm 12 thuộc Tổng cục Hậu cần tiền phương. Đây là 1 trong những đơn vị cao xạ 37mm đầu tiên của quân đội ta được thành lập từ năm 1953 và đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại phía Tây Quảng Bình này trước đó Đại đội đã hạ 1 máy bay RF–101 và 2 máy bay T-28 [1].

Ngày 18 tháng 11 năm 1964, trong một trận oanh kích khi 3 chiếc máy bay F.100 bất ngờ lao vào trận địa thì khẩu đội 3 đã nổ loạt đạn đầu tiên. Địch vội đổi hướng lao thẳng vào khẩu đội này và phóng một loạt tên lửa. Đây là một tình huống phức tạp nguy hiểm đòi hỏi sự bình tĩnh dũng cảm rất cao đối với các xạ thủ. Bất chấp hiểm nguy, thiếu úy Nguyễn Viết Xuân, chính trị viên Đại đội [2], lao ra khỏi công sự đến bên khẩu đội 3 để động viên và chỉ huy. Đợt chiến đấu vừa tạm ngưng, anh đã đi khắp trận địa  nắm tình hình và và chỉ đạo giải quyết tình huống.

Máy bay địch quay lại đợt 2… Lần này Nguyễn Viết Xuân bị trọng thương. Anh yêu cầu y tá cắt hẳn cánh chân phải bị dập nát khỏi cơ thể để anh tựa vào thành công sự và tiếp tục chiến đấu…

 Tiếng hô vang của Nguyễn Viết Xuân ngày đó, hành vi dũng cảm, khí phách anh hùng của Anh mãi mãi vang vọng trong lòng chiến sỹ và nhân dân cả nước, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ trên đất nước ta sớm tới thành công.

Nhiều tác phẩm âm nhạc, hội họa, văn học nghệ thuật… đã được sáng tác để ca ngợi người Anh hùng này và cũng trở thành những tác phẩm nổi tiếng.

Còn với tem bưu chính, trong bộ sưu tập tem Việt Nam tính đến nay đã có 3 mẫu tem đề tài này được phát hành liên tiếp từ 1970-1972. Đây là một trường hợp ít thấy: một chủ đề tem phát hành trong 3 năm liên tục. Mẫu đầu tiên là mẫu 638 trong bộ tem 6 mẫu “Kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập nước (02/9/1945 – 1970)” mã số 244 phát hành nhân dịp Quốc khánh. Tiếp đó, trong bộ “Tem quân đội” 3 mẫu mã số 260 thì 2 mẫu 726 và mẫu thứ 727 mang hình ảnh Nguyễn Viết Xuân. Bộ tem được thông báo phát hành ngày 30/10/1971, nhưng riêng mẫu tem 727 lại phát hành trong tháng 8/1972 [3]./.

Thu Hồng

 

[1] T–28 là loại máy bay cánh quạt dùng để huấn luyện được sử dụng ở Việt Nam như máy bay cường kích. Do tốc độ cực kỳ thấp cho phép oanh tạc chính  xác và dai dẳng. Còn máy bay RF–101 là máy bay trinh sát có khả năng bay tầm thấp và có đường bay lắt léo. 

[2] Một đại đội pháo cao xạ có thể có từ 4 đến 6 khẩu đội từ cỡ nòng 100 mm đến 37, 23 mm

[3] Theo Danh mục Tem Bưu chính Viêt Nam 1945 – 2005

 

(Nguồn: Tạp chí tem số 159)


See more news