Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, nằm hoàn toàn ở Châu Á, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Cửu Long
Nguồn lợi của sông Mê Kông vô cùng phong phú. Dòng sông cung cấp nguồn nước vô tận tưới mát cho những cánh đồng, là nguồn phù sa bồi đắp từ năm này sang năm khác cũng như mang lại tiềm năng thủy điện to lớn cho các nước có dòng sông chảy qua. Bên cạnh đó, dòng sông còn đặc biệt giàu có bởi số lượng lớn các loài cá đa dạng về mặt chủng loài, trong đó có những loài cá khổng lồ, quý hiếm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện trên dòng chảy chính của dòng sông cũng như đánh bắt theo lối tận diệt đã gây nên sự suy giảm nghiêm trọng quần thể cá sông. Một số loài như cá Tra dầu, cá chép Xiêm, cá Vồ cờ được coi là biểu tượng của sông Mê Kông đều được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), xếp hạng nguy cấp với nguy cơ tuyệt chủng cao.
Nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ các loài cá sông Mê Kông nói riêng và các loại động vật hoang dã trên thế giới nói chung, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Cá sông Mê Kông” gồm 05 mẫu với các giá mặt 4.000đ, 4.000đ, 6.000đ, 8.000đ, 12.000đ và 01 blốc giá mặt 15.000đ. Được thể hiện theo phong cách đồ họa với môi sinh, bộ tem thể hiện 6 loài cá sông Mê Kông tiêu biểu thuộc loài cá da trơn, cá vảy chưa giới thiệu trên tem Bưu chính. Các loài cá được thể hiện ở nhiều góc độ, số lượng, đặc tính, tầng nước cùng với hướng tuyến khác nhau. Đây còn là thông điệp nhắc nhở mọi người gìn giữ và bảo vệ các loài cá quý của dòng sông Mê Kông, cụ thể:
Mẫu 5-1: Cá hô Catlocarpio siamensis Boulenger, 1898: Là một loài cá có kích thước lớn nhất trong họ Cá chép thường thấy sống ở sông Mê Kông và Chao Phraya ở Đông Nam Á. Cá hô thường sinh sống ở những hố lớn cạnh bờ những dòng sông lớn, nhưng chúng cũng có thể bơi vào những kênh, rạch, sông nhỏ để kiếm thức ăn trong một số thời điểm. Cá hô non có thể sống ở các chi lưu nhỏ, hay ở các đầm. Cá hô nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng sắp nguy cấp.
Mẫu 5-2: Cá đuối bồng Himantura walga (Müller & Henle, 1841): Là một loài cá sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Cá đuối bồng nằm trong sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng nguy cấp.
Mẫu 5-3: Cá tra dầu Pangasianodon gigas Chevey, 1931: Là một loài cá nước ngọt sống trong vùng hạ lưu sông Mê Kông. Với chiều dài có thể đến 3m và trọng lượng có thể đến 300kg, cá tra dầu có thể xem là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới được biết đến. Cá tra dầu nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp (nguy cơ tiệt chủng trong tự nhiên rất cao).
Mẫu 5-4: Cá chốt sọc Mystus mysticetus Roberts, 1992: Là một loài cá sống ở Lưu vực sông Mê Kông, ở tầng nước đáy. Cá chốt sọc ăn các loại côn trùng, giáp xác, thức ăn viên.
Mẫu 5-5: Cá lăng đỏ Hemibagrus wyckioides (Fang & Chaux, 1949): Là một loài cá da trơn, có hình dáng giống cá trê, sống ở tầng nước giữa. Cá lăng đỏ nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng nguy cấp.
Mẫu blốc: Cá vồ cờ Pangasius sanitwongsei Smith, 1931: Cá thể trưởng thành của cá vồ cờ có thể dài tới 3,0m (12 ft) và cân nặng lên tới 293kg (646 lb). Cá vồ cờ nằm trong Danh mục thủy sản quý hiếm và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp. Hình nền blốc là cảnh tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long được lồng trong hình cá măng rổ, một loài cá quý hiếm của Việt Nam và cũng đã từng được giới thiệu trên tem Bưu chính.
Khuôn khổ các mẫu tem: 43x32 mm và khuôn khổ blốc 160x120 mm. Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế, bộ tem được cung ứng trên mạng Bưu chính công cộng từ ngày 01/8/2019 đến ngày 30/6/2021.