Giới thiệu Bộ Tem "Ẩm thực Việt Nam" (bộ 2).

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nền văn hóa ẩm thực độc đáo, đa dạng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tiếp thu những tinh hoa của nền ẩm thực thế giới. Sự đặc sắc của ẩm thực Việt Nam được thể hiện qua từng vùng miền theo khu vực Bắc - Trung - Nam với những món ăn độc đáo nhờ sự kết hợp hài hòa các nguyên liệu và gia vị. Chính vì vậy mà văn hóa ẩm thực của người Việt ngày càng nổi tiếng, nhiều món được xếp hạng cao trong danh sách bình chọn của thế giới.

Nhằm tôn vinh những nét đẹp Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Ẩm thực Việt Nam”, giới thiệu 04 món ăn nằm trong Top 12 món ăn nổi tiếng Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực Châu Á vào năm 2012, gồm: Miến lươn Nghệ An, Bún bò Huế, Mỳ Quảng và Phở khô Gia Lai.

 

Mẫu 4-1 “Miến lươn Nghệ An”: Đây là một trong những đặc sản thôn quê nức tiếng của xứ Nghệ. Miến lươn được chế biến theo hai dạng tùy nhu cầu thực khách. Đó là miến lươn xào và miến lươn nước (sử dụng nước dùng). Nước dùng miến lươn Nghệ An được ninh từ xương ống và xương lươn, vừa ninh vừa phải hớt bọt cho nước trong và ngọt. Thịt lươn được thái sợi, xào sơ với gia vị đồng quê: nghệ rí, hành tăm, rau răm…. Miến dong ngâm qua nước, cắt thành từng đoạn vừa ăn, trụng nước sôi cho miến chín.

Mẫu 4-2 “Bún bò Huế”: là một đặc sản của ẩm thực Huế với các nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, chân giò lợn, chả (thịt bò quết nhuyễn), tiết luộc cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng của ớt và sa tế. Để trung hòa vị béo và vị cay của bún bò Huế, người ta thường ăn kèm với rau sống, rau húng và chút hoa chuối. Một tô bún bò Huế hội tụ mọi tinh hoa của ẩm thực: chua, cay, thơm, ngọt, béo.

Mẫu 4-3 “Mỳ Quảng”: là một món ăn đặc trưng của Quảng Nam, Đà Nẵng. Mỳ được chế biến từ gạo, làm thành lá bánh tráng rồi thái thành sợi. Mỳ Quảng khá đa dạng, thường được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau: thịt heo, thịt gà, thịt bò, tôm, cua, cá… Để có bát mì Quảng đúng điệu thì khâu trình bày rất được chú trọng, rau được xếp dưới cùng, sau đó đến mì, chan thêm 1 ít nước, rồi hành ngò, đậu phộng rải đều, bánh tráng…. Mì Quảng có vị đậm đà của tôm giã nhuyễn, vị béo ngọt của thịt, cay cay của rau, ớt. Rau ăn kèm với mỳ là cải con, húng lủi, rau quế xanh, xà lách, hoa chuối thái mỏng

Mẫu 4-4 “Phở khô Gia Lai”: Phở khô Gia Lai còn mang một tên gọi khác là phở hai tô, món ăn được nêm nếm đậm đà, vị nước súp trong veo, thanh ngọt, sợi phở giòn dai, cùng với những món thịt đi kèm như thịt bò (tái, gân, gàu, nạm…) hay thịt gà, thêm một chút tương đen cho hương vị thêm đậm đà. Một tô bánh phở, một tô nước dùng, cùng đĩa rau sống, Phở khô Gia Lai bình dị như chính hương vị của nó.

Hình ảnh được cung cấp bởi Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết, các nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương nơi sở hữu các món ăn được giới thiệu cung cấp tư liệu để hoàn thiện bộ tem.

Bộ tem có khuôn khổ 37 x 37 (mm), có giá mặt lần lượt 4000đ, 4000đ, 4000đ và 12000đ, do họa sỹ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Bộ tem, được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 25/12/2021 đến ngày 30/06/2023.

Trước đó, năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Ẩm thực Việt Nam” gồm 04 mẫu tem giới thiệu các món ăn: Phở gà, Nem cuốn, Bún chả và Bún thang.  


See more news