Lần thứ ba Bưu chính Đài Loan phát hành tem vi phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa

 
 
Bộ tem bưu chính có mẫu tem thể hiện hình ảnh công trình đèn biển Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình. Đây là lần thứ ba Bưu chính Đài Loan phát hành tem vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
 
Câu lạc bộ Viet Stamp thuộc Hội Tem TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị về bộ tem bưu chính Đài Loan vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
 
Theo phản ánh của Viet Stamp, ngày 23/11/2020, Bưu chính Đài Loan phát hành bộ tem bưu chính gồm 5 mẫu tem mang tên “Đăng tháp bưu phiếu” (Tem bưu chính về đèn biển) thể hiện hình ảnh 5 công trình đèn biển do Đài Loan xây dựng, trong đó có 1 công trình đèn biển do Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba Island, bị Đài Loan chiếm đóng trái phép từ năm 1956 và gọi là Thái Bình đảo/Tàipíng dǎo) là đảo lớn nhất nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
 
Hình ảnh bộ tem bưu chính Đài Loan vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
 
Cụ thể, mẫu tem thứ năm trong bộ tem, mang tên “Thái Bình đảo đăng tháp” (Đèn biển trên đảo Thái Bình), có giá mặt cao nhất trong bộ tem là 15 tân Đài tệ, thể hiện hình ảnh công trình đèn biển do Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình năm 2015, cao 13,7 mét trên mực nước biển và có tầm hoạt động 10 hải lý.
 
Có thể thấy, Bưu chính Đài Loan đã mượn cớ phát hành tem bưu chính về đèn biển để tuyên truyền rộng rãi cho cái gọi là “chủ quyền của Đài Loan” đối với đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Đài Loan chiếm đóng trái phép, nhằm đánh lừa dư luận trong và ngoài nước về hành động phi pháp của mình.
 
“Hành động này của Bưu chính Đài Loan đã vi phạm luật quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không phù hợp với các quy định của Văn kiện Liên minh Bưu chính thế giới (Điều 8, Công ước)”, công văn của Viet Stamp nhấn mạnh.
 
Cần lưu ý, đây là lần thứ ba Bưu chính Đài Loan phát hành tem bưu chính vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Trước đó, họ đã từng phát hành những bộ tem bưu chính phi pháp tương tự như: Năm 1996, phát hành bộ tem gồm 2 mẫu tem và 1 bloc tem thể hiện đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông và hình ảnh về đảo Ba Bình của Việt Nam; Năm 2016, phát hành bộ tem gồm 4 mẫu tem thể hiện những hình ảnh về đảo Ba Bình của Việt Nam.
 
Hình ảnh công trình đèn biển do Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
 
Ngay sau khi Bưu chính Đài Loan phát hành bộ tem vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa năm 2016, trên cơ sở kiến nghị của Câu lạc bộ Viet Stamp, Cơ quan Bưu chính Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động sai trái của Bưu chính Đài Loan và yêu cầu Bưu chính Đài Loan tôn trọng sự thật, hủy ngay bộ tem và các ấn phẩm có liên quan, không để tái diễn hành động tương tự.
 
Thế nhưng, Bưu chính Đài Loan vẫn tiếp tục ngoan cố, không tôn trọng sự thật là Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để chứng minh và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiếp tục có hành động sai trái thông qua việc phát hành bộ tem “Đăng tháp bưu phiếu” năm 2020 nêu trên.
 
Vì vậy, Câu lạc bộ Viet Stamp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam xem xét, chính thức có ý kiến kịch liệt phản đối Bưu chính Đài Loan và Hội Tem Đài Loan về hành động phát hành tem bưu chính vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
 
Cùng với đó, thể theo nguyện vọng của đông đảo người sưu tập tem Việt Nam trong và ngoài nước, Câu lạc bộ Viet Stamp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định phát hành một bộ tem phổ thông thể hiện hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu nước, yêu biển đảo với đông đảo công chúng; khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam với thế giới thông qua tem bưu chính.
 
Bình Minh/vietnamnet.vn
 

See more news