Lão nông sưu tập tem quý.

Từ niềm yêu thích và tính tò mò, những phong bì thư tay, những con tem cũ kỹ từ hơn 50 năm trước đã được cậu học trò, nay là nhà sưu tập tem - nông dân Trần Hữu Huệ lưu giữ. Ông Huệ được coi là một trong những người sở hữu nhiều con tem quý nhất Việt Nam, trong đó có bộ sưu tập tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ quyền hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Một con tem quý trong bộ sưu tập của ông Huệ.

Một sáng cuối tháng 3, chúng tôi đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để cùng ông Huệ tham gia buổi sinh hoạt câu lạc bộ tem Trường THCS thị trấn Núi Sập. Ngôi trường nhỏ nằm ven dòng Thoại Hà mát rượi dưới tán me tây hàng trăm năm tuổi. Hôm nay, câu lạc bộ tem của trường sinh hoạt định kỳ hằng tuần. Ông Huệ sôi nổi trò chuyện, trao đổi với các học sinh nhỏ tuổi. Qua lời giải thích của ông, từng con tem mang bên trong vô vàn thông tin quý giá về lịch sử, địa lý, văn hóa, chủ quyền của đất nước Việt Nam… Đã có nhiều thế hệ học sinh của trường được ông Huệ truyền cho đam mê, giờ đây trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên hay đơn giản chỉ là nông dân như ông, nhưng là những hội viên tem chơi tem vào loại “cứng” của tỉnh An Giang và cả nước. Họ sở hữu hàng trăm nghìn con tem quý, độc đáo, in dấu lịch sử quốc gia, dân tộc và ngành bưu chính.

Buổi sinh hoạt hôm ấy xoay quanh cách thức chơi tem như, cách tạo ra những an-bum tem cùng cách chơi tem sống, tem chết, bì thư thực gửi… Đặc biệt là màn đố vui lịch sử qua chính những con tem các em sưu tầm được. Thầy trò hăng say, già trẻ giao hòa trong niềm đam mê sưu tập tem.

Ông Trần Hữu Huệ sinh năm 1954, ở thị trấn Núi Sập, chơi tem từ năm học lớp 6, khi tình cờ thấy nhóm bạn khoe tem trong giờ giải lao. Những họa tiết in trên những con tem khiến cậu học trò vùng núi Thoại tò mò, muốn tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc. “Ngày nào cũng vậy, trên đường đến trường tôi ghé trụ sở ủy ban xã để tìm trong sọt rác những bì thư có dán tem mà người nhận đã bỏ đi. Có lần, tôi cùng một cậu bạn đến bới sọt rác nhưng chỉ có một con tem, cho nên hai bên tranh giành dữ dội, chút nữa thì xảy ra xô xát. Chơi tem riết rồi thành đam mê, tôi phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua tem”, ông Huệ nhớ lại.

Khi vào học cấp ba (THPT ngày nay) ở trường Thoại Ngọc Hầu, thị xã nhỏ Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), vì gia cảnh nghèo khó, ông Huệ không mấy khi có tiền mua tem. Ông đành phải xin lại những con tem bạn bè có dư, hoặc tìm kiếm trong sọt rác các cơ quan và thư viện nhà trường. Ông kiên nhẫn đợi mỗi khi người nhận thư đến lấy, xé xem nội dung thì tiếp cận để xin bì thư có tem dán. Sự kiên trì, tình yêu và niềm đam mê đã giúp ông trở thành thành viên Hội tem Cần Thơ, rồi Hội tem Việt Nam. Năm 2000, nông dân Trần Hữu Huệ trở thành thành viên đồng sáng lập Hội tem An Giang và tham gia Ban chấp hành Hội cho đến nay.

Ông Huệ giới thiệu các con tem trong bộ sưu tập của mình với các cháu thiếu nhi.

Gần cả cuộc đời với 60 bộ sưu tập, ông Huệ sở hữu hơn 200.000 con tem. Ông chia sẻ: “Từ năm 1976, tôi bắt đầu sưu tập tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh, con tem đầu tiên có hình ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa. Nhưng phải hơn 20 năm sau, tức năm 1998, tôi mới hoàn tất bộ sưu tập 400 con tem mang chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. Tôi sắp xếp cẩn thận trong năm bộ khung và 50 phong bì gửi tham dự Triển lãm Quốc gia lần thứ I (năm 1998) và đoạt được Huy chương đồng”. Sau cuộc thi ấy, ông Huệ tiếp tục hành trình sưu tập tem về Bác Hồ. Cứ nghe ở đâu có tem là ông tìm đến. Năm 2005 bộ tem mới hoàn thành, ông chọn chủ đề mới “Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp”. Với bộ sưu tập này, một lần nữa ông đoạt Huy chương đồng tại Triển lãm Quốc gia lần thứ II. Hiện tại, ông Huệ đang sở hữu hơn 1.000 con tem và 200 bì thư dán tem có hình ảnh Bác Hồ.

Bên cạnh đó, ông còn sở hữu hai sưu tập tem “Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII - XVIII”, “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ” do họa sĩ Trần Lương thiết kế, được in hai mầu vào đầu năm 1988 tại Xí nghiệp in tem Bưu điện, mang số hiệu 536. Trong đó, bộ tem “Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII - XVIII”, có mệnh giá 10 đồng, được in hình chiếc thuyền buồm căng gió biển và người lính “Đội Hoàng Sa” lực lưỡng, tay cầm chèo, tay cầm tù và liên lạc với đồng đội trên biển. Còn bộ tem “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ” mệnh giá 100 đồng với tựa đề “Bản đồ cổ” in hình bản đồ Việt Nam gắn liền với các vùng biển đảo. Một phần tư thân tem in cận cảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng dòng chữ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” do Phan Huy Chú vẽ, chú thích vào thời Vua Minh Mạng, năm 1838.

“Năm 1988, ngành bưu điện phát hành những con tem về Hoàng Sa - Trường Sa, tôi đã suy nghĩ phải làm sao sưu tập những con tem đó để mọi người hiểu về lãnh thổ, chủ quyền của đất nước mình qua tư liệu lịch sử. Cách đây ba năm, tôi nghĩ mình nên đưa hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tới các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới để bạn bè quốc tế biết đến”, ông Huệ nói. Nghĩ là làm, ông Huệ tìm địa chỉ các đại sứ quán, người quen, người sưu tập tem ở nước ngoài để gửi thư có dán tem in hình hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó có được những bì thư thực gửi mang giá trị lịch sử bưu chính. Đây cũng là cách mà những nhà sưu tập tem trên thế giới thường làm. Đến nay, những lá thư ông gửi đi gần 100 nước đã nhận được phản hồi từ bạn bè và các đại sứ quán, trong đó có hơn 38 bì thư dán tem Hoàng Sa - Trường Sa...

Qua những con tem có thể tìm thấy những bài học làm người, đạo đức, lịch sử và ý nghĩa lớn lao về chủ quyền quốc gia, dân tộc. Con tem nhỏ bé nhưng lại mang trong mình những giá trị trường tồn của lịch sử. Ông chia sẻ, những danh xưng người đời dành cho mình cùng những giải thưởng uy tín trong, ngoài nước của giới chơi tem ông chẳng màng, mà chỉ mong hễ còn sức khỏe, còn một ngày được sống sẽ truyền đam mê và tình yêu với những con tem tới công chúng.

Ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh An Giang, bạn học từ thời phổ thông với ông Trần Hữu Huệ, đánh giá: “Anh Huệ có một niềm đam mê và tình yêu vô bờ bến với tem. Bộ sưu tập tem về Bác Hồ đã thể hiện được tấm lòng của người nông dân với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Hai bộ tem về Hoàng Sa, Trường Sa đã góp phần giúp nhiều người hiểu hơn về lịch sử, chủ quyền biển, đảo Việt Nam và thêm yêu đất nước”.

Tuổi đã cao, ông Huệ vẫn nỗ lực kết nối tình yêu tem với các bạn nhỏ. Dẫu ngày nay, thú chơi tem đã không còn sôi nổi như xưa, những lá thư tay đã dần bị thay thế bằng thư điện tử, nhưng giá trị của những con tem với lịch sử đất nước thì không bao giờ mất đi.

 

 
BẢO TRỊ, QUỐC DŨNG/nhandan.com.vn

See more news