Bằng ngôn ngữ của riêng mình, những con tem đã đi cùng với lịch sử dân tộc trong việc phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh, khát vọng bất tận về hòa bình, thống nhất.
1. Theo các lão niên của Hội Tem Việt Nam, con tem bưu chính đã theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp đến xứ sở này khi Đô đốc Bonard mở Bưu cục ở Sài Gòn ngày 13-3-1863. Tuy nhiên, sau ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một năm, tức là năm 1946 thì Bưu chính Việt Nam mới phát hành bộ tem đầu tiên, đó là ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam độc lập với hình ảnh Bác Hồ được in thành 5 mẫu khác nhau.
Nhìn lại số tem của thời kỳ đầu ấy, lớp hậu thế có dịp hiểu thêm những khó khăn của chính quyền non trẻ. Ví như, trong số tem Bưu chính Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946 có con tem Đông Dương in đè tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dân sinh” có giá bán 30 đồng nhân với phụ thu cứu quốc 3 đồng. Ở thời kỳ này có rất nhiều tem phụ thu cứu quốc như vậy. Mọi chuyện minh bạch và được đồng bào ủng hộ, góp phần không nhỏ làm nên lịch sử chiến đấu và chiến thắng của dân tộc.
Thời chống Pháp, ở chiến khu Việt Bắc, mặc dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng ở mỗi sự kiện lớn, chính quyền cách mạng đều “dốc sức” để cho ra đời những con tem làm dấu mốc. Ngày đó, tem được in trên giấy dó chứ không phải loại giấy như bây giờ. Có lẽ cũng vì thế mà các bộ tem ra đời trong thời kỳ đó đã và đang được những người sưu tập tem ưa chuộng, quý trọng và có giá bán khá cao.
Tiêu biểu trong số này có thể kể đến bộ tem về Anh hùng Mạc Thị Bưởi, một trong những bộ tem đắt nhất Việt Nam hiện nay với giá bán 13 triệu đồng, bộ tem về Anh hùng Cù Chính Lan, bộ tem chào mừng Chính phủ về Thủ đô với tiêu đề Thủ đô giải phóng, bộ tem Bộ đội với thiếu nhi Hà Nội, bộ tem về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với hình ảnh những chiếc xe thồ chở 130kg...
Điều này cho thấy, sự ra đời của những con tem luôn gắn liền với những sự kiện của lịch sử dân tộc và mỗi con tem đều mang một giá trị tư tưởng riêng, có thể là một lời khẳng định, kêu gọi, lan tỏa một mệnh lệnh hay một phong trào.
Một số mẫu tem bưu chính tiêu biểu. |
2. Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tem bưu chính đã trở thành “cầu nối” giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa hai miền Nam-Bắc với cảm hứng chủ đạo là niềm tin chiến thắng, khát vọng sum vầy, hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Với ý nghĩa đó, họa sĩ thiết kế tem cũng như người viết sử.
Các sự kiện, các thời kỳ lịch sử đều được người họa sĩ "nén" một cách độc đáo trong các con tem nhỏ bé của mình. Tổng hợp các con tem lại ta sẽ có một bức tranh lịch sử sống động, rõ nét. Bằng chứng là những con tem bưu chính thời kỳ này cũng đã phản ánh không khí tăng gia sản xuất tại miền Bắc để chi viện cho miền Nam ruột thịt, phong trào xẻ dọc Trường Sơn cứu nước, tất cả cho tiền tuyến, Nam Bộ kháng chiến, nối liền Nam-Bắc, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong đó, đáng chú ý nhất là bộ tem “Tổng tiến công 1975” phát hành ngày 14-12-1976 gồm 6 mẫu do 3 họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương và Trần Ngọc Uyển cùng thiết kế đã phản ánh được đầy đủ, dồn dập những sự kiện lịch sử như thác đổ với 3 mốc chiến công quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Giải phóng Buôn Ma Thuột (12-3-1975); Giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975); Giải phóng Sài Gòn (30-4-1975).
Sau này, sự kiện giải phóng miền Nam còn tiếp tục được xuất hiện trên tem bưu chính vào các năm 1985 và 1987, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 cũng được sử dụng làm hình nền trong rất nhiều tem bưu chính về Bác Hồ, về các lãnh tụ có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Nhớ về những kỷ niệm cảm động bên lề những chuyến thư đầu tiên nối 2 miền Nam-Bắc, ông Nguyễn Minh Chí, Hội Tem Việt Nam cho biết: Khi chiến dịch giải phóng miền Nam bắt đầu, có những tỉnh chưa có tem vì chưa in kịp, nhất là vùng tạm chiếm nối hai miền Nam-Bắc.
Đi trên dọc đường từ phía Nam ra gặp những đoàn xe từ miền Bắc vào, tung những phong thư không có tem với lời nhắn “anh em ra thì gửi thư cho chúng tôi nhé”. Vì thế giải phóng đến đâu, đến địa phương nào có tem là các thành viên thuộc Bưu cục 135 lại dán phong bì cho anh em ở đó. Địa phương nào chưa có dấu in đè thì các anh em lại dùng bút bi đánh dấu nhân lên đó.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Chí, để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa 2 miền Nam-Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Bưu điện đã có gần 1 vạn liệt sỹ. Đây cũng là ngành có nhiều liệt sỹ nhất trong số các ngành dân sự.
Sưu tập và triển lãm tem - cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. |
3. Sau năm 1975, khi đất nước bước vào giai đoạn hòa bình, thống nhất, tem bưu chính tiếp tục đồng hành cùng đất nước, dân tộc trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Một con tem là một bức tranh nghệ thuật thu nhỏ và là một sứ giả của hòa bình trong việc kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đã có rất nhiều bạn bè, là những nhà sưu tập tem trên khắp năm châu biết đến Việt Nam qua những con tem bưu chính. Và một trong những lực lượng góp phần đưa tem bưu chính Việt Nam ra thế giới không ai khác chính là đội ngũ những người sưu tập tem.
Mặc dù đây là một thú chơi có phần “sinh sau đẻ muộn” song đến nay cả nước đã có khoảng 8.000 hội viên trực thuộc Hội tem Việt Nam đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó hội viên trẻ nhất 8 tuổi, hội viên nhiều tuổi nhất là 93 tuổi.
Thông qua việc sưu tầm, tuyển chọn và quảng bá về sức sống của những con tem bưu chính qua các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, các hội viên của Hội Tem Việt Nam đã góp phần giúp các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay có cơ hội được sống lại với những giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc, tri ân những thế hệ đã góp phần làm nên đất nước; giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về một Việt Nam kiên cường trong chiến tranh và luôn ước vọng hòa bình.
Trong số này có thể kể đến những bộ sưu tập tem tiêu biểu như: Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tác giả Vũ Văn Thắng; Việt Nam trong trái tim thế giới của tác giả Hoàng Anh Thi; Anh hùng đất Việt của tác giả Võ Nguyên Đạt, Đạp lên đầu thù của tác giả Lê Trí Kiệt; Các lãnh đạo của Phong trào giải phóng dân tộc của tác giả Nguyễn Ánh Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam của tác giả Văn Thị Lý; Biển đảo quê hương của tác giả Nguyễn Đức Danh...
Nói về sức mạnh ẩn chứa trong những con tem bưu chính, ông Hàn Tấn Quang, một thành viên của Hội Tem Việt Nam cho rằng: Những con tem cũ còn lưu đến ngày nay, nó đã qua tay nhiều người dùng nhưng không ai vứt bỏ. Nó lưu lạc từ địa phương này đến địa phương khác , từ quốc gia này đến quốc gia khác và đó chính là cái tình của con người đối với những con tem. Cái tình ấy rất đáng được trân trọng, quý hơn cả bạc vàng.
Do vậy, những con tem ấy có giá cao ngất ngưởng cũng chẳng có gì là lạ bởi người giữ nó cũng vì cái tình mà người mua nó cũng vì cái tình. Con tem bưu chính là tấm danh thiếp quốc gia. Mỗi con tem là một “sứ giả” kết nối quốc gia này với quốc gia khác vì một thế giới hòa bình.