Ngày nước Thế giới 22/3 - “NƯỚC VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU”

Ngày nước Thế giới 22/3 - “NƯỚC VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU”
 
Chúng ta đang sống trong một môi trường mà khí hậu đang càng ngày càng nóng lên và khắc nghiệt hơn. Sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước mà cả thế giới đang sử dụng hằng ngày.
Năm 1993, tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết A/RES/47/1993 của Đại Hội đồng, lấy ngày 22 tháng 3 hằng năm là “Ngày Nước thế giới” nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước trong việc bảo vệ sức khỏe con người và duy trì các hệ sinh thái trên hành tinh.
Chủ đề NGÀY NƯỚC thế giới năm 2020 là "NƯỚC VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU". Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của việc tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng: sự thay đổi điều kiện khí quyển và đại dương đang định hình lại chu trình thủy văn toàn cầu, gây ra rủi ro cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, sức khỏe con người và ảnh hưởng đến các mục tiêu khác.
Biến đổi khí hậu là hiện tượng Trái đất nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ ở các đại dương tăng dần lên làm tan băng ở các vùng cực đới, ảnh hưởng nặng nề đến vòng tuần hoàn của các sông, hồ, đại dương, làm tăng cường độ và tần suất của thiên tai, hạn hán bão lũ xảy ra ngày càng nhiều hơn, nước biển ngày một dâng cao. Các sự kiện thời tiết, khí hậu cực đoan liên quan đến tài nguyên nước đang ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến nguồn nước, chất lượng và số lượng nước cho các nhu cầu của con người. Ủy ban Nước của LHQ (UN-Water) dự đoán, hai phần ba dân số thế giới sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025. Cùng với đó, dân số toàn cầu tăng, nhu cầu về nước tăng cũng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt, việc sử dụng nguồn nước không đúng cách của con người cũng làm cho nước trở nên khan hiếm hơn, ô nhiễm hơn…
Tất cả những dự báo về biến đổi khí hậu đã trở thành sự thật và đang diễn ra sớm hơn, mạnh hơn. Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt... Điều đó cũng chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường.
Theo một nghiên cứu mới đây, mùa hè năm ngoái nóng đỉnh điểm đến mức khiến Greenland mất 600 tỷ tấn băng - đủ để làm tăng mực nước biển toàn cầu thêm 2,2mm chỉ trong hai tháng. Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu nước biển tăng thêm 25cm vào năm 2050, tần suất lũ lụt 50 năm một lần ở các khu vực nhiệt đới sẽ xảy ra hàng năm hoặc thậm chí mau hơn. Trong khi đó, nếu nước biển toàn cầu chỉ dâng ở mức vừa phải là từ 10-20cm, nguy cơ lũ lụt tại các khu vực có khí hậu ấm áp sẽ tăng gấp đôi. Các thành phố lớn dọc bờ biển khu vực Bắc Mỹ, trong đó có Vancouver của Canada, Seattle, San Francisco và Los Angeles của Mỹ cùng với bờ biển Đại Tây Dương ở châu Âu có nguy cơ lũ lụt cao. Thậm chí, nếu mực nước biển chỉ tăng từ 5-10cm, tần suất xảy ra lũ lụt ở các nước nhiệt đới cũng sẽ tăng hơn gấp đôi, đặc biệt là các vùng đồng bằng đông dân ở châu Á và châu Phi. Nếu nước biển chỉ tăng ở mức thấp, các thành phố như Mumbai, Kochi của Ấn Độ và Abidjian của Côte d'Ivoire cũng như nhiều thành phố khác cũng sẽ bị tác động đáng kể.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán, thiếu nước diễn ra trên phần lớn các khu vực. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì đang bị ảnh hưởng xấu của nước biển dâng và xâm nhập mặn, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước sinh hoạt của người dân, dẫn đến kinh tế chậm phát triển. Theo nghiên cứu về “Biến đổi khí hậu và những tác động đến phát triển bền vững tiểu vùng sinh thái ven biển ĐBSCL”, khu vực này luôn đối mặt với lũ và ngập lụt ở vùng thượng du, xâm nhập mặn ở vùng ven biển, đất phèn và sự lan truyền nước chua ở những vùng trũng thấp; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng gần biển; xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng, ô nhiễm nguồn nước, kể cả nước mặn và nước ngầm…
Nếu con người không thay đổi hành vi, hàng trăm triệu người có thể bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng, thiên tai và thiếu lương thực xảy ra thường xuyên. Cấp thiết phải có các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước và khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và tăng tính thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Chọn chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu” cho năm 2020, LHQ muốn nhấn mạnh: Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Nói tóm lại, nước là vấn đề chiến lược, là sống còn của loài người cũng như của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
 
Box:
Một số thông điệp Ngày Nước thế giới năm 2020:
 
- Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tài nguyên nước phải là yếu tố trung tâm của các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
- Nước là tài nguyên quý giá! Hãy chung tay bảo vệ tài nguyên nước.
- Sử dụng nước hiệu quả là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
- Con người cần nước để tồn tại. Vì vậy, cần quản lý nước một cách an toàn và bền vững.
 
~~~~~~~~~~~
"Mọi người đều có vai trò của mình"
Ngày Nước thế giới năm nay diễn ra vào một thời điểm bất thường do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 khiến nhiều sự kiện liên quan bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi người... trong cuộc sống hằng ngày, có thể có rất nhiều hành động để góp phần tạo ra sự thay đổi. Các nhà hoạch định chính sách và các nhà môi trường coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, và họ đang tập trung cho các giải pháp bảo vệ các "bể chứa cacbon" như đại dương và vùng đất ngập nước, áp dụng những kỹ thuật nông nghiệp thông minh thân thiện với khí hậu và tăng cường tái sử dụng nước theo các cách hợp lý và an toàn. Với các nhà sản xuất công nghiệp thì đó là giải pháp đầu tư vào công nghệ năng lượng, tiết kiệm năng lượng… Các cơ quan Truyền thông thì thúc đẩy thay đổi hành vi lãng phí thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức… Còn đối với cộng đồng người dân, thông qua các hoạt động nhỏ hằng ngày như sử dụng tiết kiệm nước cũng đã góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Cơ quan Bưu chính có thể góp phần tạo thay đổi trong nhận thức về nước và biến đổi khí hậu bằng cách phát huy vai trò và năng lực truyền thông của con tem bưu chính. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã phát hành tem chủ đề này. Tem về đề tài “nước”, “biến đổi khí hậu”, “môi trường”… cũng thu hút nhiều người chơi tem sưu tập, tìm kiếm. Kỳ Triển lãm VietStampex’2020 tới đây, hi vọng về đề tài rất thời sự “NƯỚC VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” này sẽ có nhà sưu tập nào đó trình diễn bộ trưng bày của mình./.

 

Con tem “Hãy giữ gìn nguồn nước của chúng ta” của Bưu chính Mỹ

 Tem của Cuba: “Ngày Nước Thế giới”

 

Tem “Ngày Nước Thế giới” của Urugoay

 

 

 “Hãy giữ gìn nguồn nước” (Tem của Bưu chính Oman)

 

 

Tem do Bưu chính Qatar phát hành “Ngày Nước Thế giới”

 
N.V.T (Tổng hợp) - Tạp chí tem số 161
 
 
 
 

See more news