Người đàn ông 50 năm chơi tem

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, 60 tuổi, chơi tem khoảng nửa thế kỷ, sở hữu nhiều bộ giá trị chủ đề Phật giáo, danh nhân...

Mỗi cuối tuần tại quán cà phê quen, ông Lộc tỉ mẩn xếp từng con tem vào bộ sưu tập. Đeo cặp kính dày dùng riêng cho việc chơi tem, cúi gằm mặt để soi từng mẫu, thỉnh thoảng, ông quay sang các "bạn tem" đang ngồi xung quanh để trao đổi một đề tài. Hàng chục năm qua, đúng ngày giờ đã hẹn, họ lại gặp mặt, khoe nhau từng con tem, bưu ảnh hay các bộ sưu tập mới.

Ông Lộc chơi tem năm 10 tuổi, khi là học sinh trung học Pétrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong), qua nhiều cuộc thi tem do trường phát động. Ông nói: "Hồi đó chưa có Internet, học sinh chơi tem nhiều lắm. Lúc nhỏ không có tiền mua, chúng tôi hay xin người lớn từng con dán trên các phong thư cũ, tích lũy thành các bộ sưu tập nhỏ".

Bố là người truyền cảm hứng cho ông Lộc theo đuổi thú chơi từ lúc bé đến khi trưởng thành. Ông cho biết: "Cuối năm 1999, tôi có ý tưởng viết thư cho tất cả bưu cục trên thế giới, xin họ đóng con dấu thư đến là năm 1999, thư gửi về lại cho tôi đóng dấu năm 2000. Như vậy, tôi có bì thư được gửi từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác. Nhiều bạn bè phản đối vì chưa rõ ý tưởng của tôi nhưng bố tôi lại ủng hộ, làm cùng. Tôi và bố gửi thư cho gần 200 bưu cục, nhận được hơn 150 lá gửi về".

Nhà sưu tập tem Nguyễn Đại Hùng Lộc.

Nhà sưu tập tem Nguyễn Đại Hùng Lộc - phó chủ tịch Hội tem TP HCM. Ảnh: Thanh Tuyền.

Theo ông Lộc, sưu tập một bộ tem mất từ ba đến 5 năm, vì phải dành thời gian tìm tòi, tích lũy. Tài liệu thuyết minh tem được chắt lọc, kiểm chứng và trình bày theo trình tự. Nhiều tem phải dùng kính lúp để kiểm tra từng răng cưa xem có in hình trên đó không rồi người chơi mới tìm hiểu về kiến thức liên quan. Có lần ông đấu giá được tem của Hà Lan trên Ebay, soi vào thấy trên răng cưa in hình Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11/6/1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. "Khi ấy tôi nổi da gà vì từ bấy lâu đã ước có con tem như vậy để đưa vào bộ sưu tập", ông nói.

Trong hơn 40 bộ sưu tập, bộ khiến ông mất nhiều thời gian và công sức nhất là Văn hóa nghệ thuật Phật giáo. Tác phẩm gồm nhiều mẫu tem các nước, phát hành về tượng Phật, dấu ấn Phật giáo thế giới, từng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Bộ sưu tập tem về đề tài Phật giáo nhiều nhất, năm 2013. Ông nói: "Tôi mất 20 năm để tìm tòi và nghiên cứu, bộ sưu tập có tổng 20 khung, mỗi khung 16 trang, mỗi trang đều dán tem kèm chú thích. Hiện, tôi vẫn theo đuổi đề tài này".

Ông Lộc sưu tập tem qua nhiều nguồn, khi trao đổi với bạn bè ở Hội Tem Việt Nam, khi tìm trên trang mua hàng trực tuyến. Lần khác dạo Ebay, ông mua được các mẫu tem về chuyến bay lên vũ trụ đầu tiên có người Việt. Trong đó, ông sở hữu bì thư có cùng một lúc chữ ký của ba phi công: Viktor Vassilyevich GorbatkoPhạm Tuân, Bùi Thanh Liêm. Phi công Phạm Tuân và Gorbatko đã cùng bay trên chuyến tàu vũ trụ Soyuz-37 năm 1980, còn Bùi Thanh Liêm là phi công dự bị. "Năm 1981, ông Bùi Thanh Liêm không may qua đời nên đây gần như là bì thư duy nhất trên thế giới có chữ ký của cả ba người", ông Lộc nói.

Bì thư có chữ ký của ba phi công Gorbatko, Phạm Tuân, Bùi Thanh Liêm. Ảnh: Thanh Tuyền.

Bì thư có chữ ký của ba phi công Gorbatko, Phạm Tuân, Bùi Thanh Liêm. Ảnh: Nguyễn Đại Hùng Lộc.

Quá trình sưu tập giúp ông tìm hiểu nhiều câu chuyện thú vị đằng sau những con tem. Khi tìm hiểu và xác nhận chữ ký của phi công Gorbatko, ông biết được Gorbatko không chỉ là nhà du hành vũ trụ của Liên Xô, ông là nhà sưu tập tem và từng là Chủ tịch hội tem Liên Xô. Ông Lộc còn sưu tập được bì thư dán tem về đề tài vũ trụ có chữ ký của Neil Armstrong, người đầu tiên đặt trên lên mặt trăng. Ông dự định sưu tập thêm nhiều mẫu tem về đề tài này, sau đó kết hợp thành chuyên đề để triển lãm.

Một trong những vật phẩm giá trị nhất với ông là bộ tem có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, in kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, do người bạn nhượng lại. "Trong giới chơi tem, những con tem chưa được dùng là tem sống, tem được dán lên thư để gửi là tem chết. Có được bộ tem sống cùng chữ ký của Đại tướng với tôi là điều rất đặc biệt", ông nói.


Bộ tem có chữ ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Đại Hùng Lộc

Nhà sưu tập cho rằng tem không chỉ là công cụ để gửi thư mà còn mang ý nghĩa văn hóa. Ông nói: "Việt Nam đã có những mẫu tem phát hành chung với các nước ASEAN, Bồ Đào Nha và Cuba. Mới đây, tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho phát hành mẫu tem hầu đồng. Tôi hy vọng khi bạn bè thế giới nhìn thấy, sẽ biết về văn hóa hầu đồng của nước ta".

Ông Lộc cho biết tốn công sức lẫn tiền bạc chơi tem, bù lại, ông có thêm nhiều bạn bè trong nước và quốc tế, rèn được tính tỉ mỉ, thận trọng. Ở tuổi 60, ông sắp xếp thời gian hàng ngày truyền cảm hứng cho hai cháu ngoại. "Mỗi lần du lịch trong nước hoặc nước ngoài, tôi viết thư tay gửi về để các cháu có vật phẩm sưu tập. Hiện, mỗi cháu sở hữu khoảng 200 tem. Trước đây, tôi tập trung kinh doanh nên chưa có thời gian dành cho cháu, giờ tôi muốn hướng dẫn để các cháu tiếp nối thú chơi của mình". Ông đang hoàn thiện bộ sưu tập tem chủ đề múa lân để tặng các cháu.

 

Nguồn: THU THẢO - THANH TUYỀN/VNEXPRESS


See more news