Sưu tầm Tem đã giúp tôi rèn luyện nhân cách.

Tôi sinh ra trong một gia đinh mà ông cụ thân sinh là một nhà sưu tầm tem lớn ở miền bắc Việt Nam. Ngay từ bé, tôi đã được sống trong thế giới tem thư và chính tem thư đã rèn luyện tôi để có một đức tính như ngày nay, giúp tôi vượt qua bao thử thách của cuộc đời nơi đất khách.
 
Vào cuối năm 1961, lúc đó tôi đã là một cậu con trai khỏe mạnh, trong gia đình chỉ duy nhất mẹ tôi nghĩ tôi mê tem, chứ bố tôi thì không. Thực ra ông cụ nghĩ cũng có lý vì lúc đó tôi chưa có tố chất của một nhà sưu tầm tem. Tôi quá hiếu động, không thể ngồi yên được quá 5 phút. Tôi có tính cả thèm chóng chán, lại hay cẩu thả bừa bãi. Nhưng tôi là cậu bé ham muốn hiểu biết và có một trí nhớ tốt, không câu nệ vào khuôn phép, luôn tò mò và thường đặt cho mình câu hỏi “tại sao?”. Ở trường, tôi hay bị hạnh kiểm kém, bị phê bình là hay nghịch ngầm, khác hẳn các anh chị tôi. Bù lại, tôi có các đức tính tốt khác như: không tham tiền, luôn tìm tòi cái mới, có thể chịu thất bại mà không nản chí. Đó là truyền thống của gia đình tôi mà các anh chị em tôi được thừa hưởng từ sự giáo dục mẫu mực của bố mẹ tôi. Bố tôi thường kể: cụ đã 3 lần tay trắng và phải làm lại từ đầu. Vì thế tôi luôn lấy bố tôi làm gương và nghĩ mình sẽ làm được tất cả, thất bại không nản chí.
 
Bố tôi có thói quen vứt các con tem rách vào sọt rác và nhiều khi do mắt kém cụ vứt đi cả tem tốt. Tôi quan sát và quyết định sẽ sưu tầm một bộ toàn tem rách mà cụ vứt đi. Thế là hàng ngày, tôi hì hục lục thùng rác bên cạnh bàn của cụ và thu được rất nhiều “chiến lợi phẩm”. Nhưng tôi luôn bí mật trả lại cụ những con tem tốt và chỉ giữ lại những con tem rách cho mình. Bố tôi biết và lẳng lặng quan sát tôi sưu tầm tem rách. Đôi lúc cụ còn chỉ bảo cho tôi biết con tem nào quý con tem nào không. Nhưng bộ sưu tập của tôi ngày càng nhiều và bắt đầu có sự bất lợi. Do tính tôi bừa bãi nên hay vứt tem lung tung. Bố tôi mắt kém nên nhiều lúc cụ tưởng những con tem đó là do mình đánh rơi nhưng khi nhặt lên lại là tem rách. Nhiều lần cụ nhắc nhở tôi nhưng tôi vẫn chứng nào tật ấy. Thế là trong một lần bực quá, nhân lúc tôi đi chơi, bố tôi đốt hết bộ sưu tập tem rách của tôi. Tôi về nhà biết tin và khóc òa lên. Mẹ tôi phải khuyên giải mãi tôi mới nín. Hai hôm sau, khi tôi đã nguôi ngoai, bố tôi gọi tôi đến bên bàn và lần đầu tiên cụ nghiêm túc nói với tôi về việc sưu tầm tem: “Bố nghĩ con cả thèm chóng chán thì không thể sưu tầm tem được. Nhưng nếu con thích thì bố sẽ cho con một quyển tem và con phải hứa chỉ sưu tầm tem tốt thôi nhé!”. Tất nhiên là tôi hứa ngay và cụ đã tặng tôi một quyển tem Việt Nam đóng dấu. Nhưng bố tôi nhanh chóng thất vọng khi thấy tôi không hứng thú với quyền tem này, có lẽ do bày sẵn cho mình ăn không thú vị bằng tự mình đi chợ và nấu ăn. Hơn nữa, bố tôi cũng bực mình khi tôi liên tục hỏi: “Tại sao bộ này 4 con?”, “Tại sao tem xấu lại đắt, tem đẹp lại rẻ?”, “Tại sao tem to và nhỏ lại chung một bộ?” và nhiều câu hỏi “Tại sao?” khác.
 
Nhà sưu tập lão thành Đàm Trung Thiện (trái) cùng con trai Đàm Hiếu Mạnh.
 
Thế là bộ sưu tập của tôi bị vứt xó vì tôi không thích nữa. Lần tạm biệt tem đầu tiên của tôi đã xảy ra, âu cũng là duyên số. Sau này tôi thấy đây đúng là một triết lý và sự khác biệt giữa nhà sưu tầm tem và nhà kinh doanh tem chính là ở điều này. Nhà sưu tầm luôn giữ khư khư những gì sưu tầm được và coi như một phần máu thịt của thân thể mình. Còn nhà kinh doanh thì sẵn sàng chấp nhận sự chia ly, mất mát, như lời một nhà sưu tầm đàn anh đã nói với tôi trong nước mắt khi ông phải bán đi một cái bát cổ thời Minh có đường kính 28 cm để lấy tiền chữa bệnh: “Em ạ! Cuộc đời nhiều có cuộc chia ly lắm. Đó là duyên số. Nếu mình không cho nó đi thì có lẽ mình phải ra đi đấy!”. Cao hơn cả hai trường hợp trên là người sưu tầm biết san sẻ vật phẩm và tri thức với bạn bè, như tình bạn giữa bố tôi và chú Vỹ - một bác sĩ quân y. Biết chú Vỹ say mê sưu tầm tem dị bản, bố tôi luôn để dành cho chú những con tem mà bố tôi kiếm được. Tình bạn đó tồn tại đến lúc bố tôi đột ngột ra đi. Để trở thành một người sưu tầm tem không phải dễ vì cuộc đời mình còn liên quan nhiều đến “cơm - áo - gạo - tiền”. Riêng tôi cho đến nay đã hơn một lần chia tay với tem nhưng điều quan trọng là vẫn giữ được ngọn lửa đam mê tem luôn rực cháy trong ta…
 
Thời gian cứ trôi qua, bố tôi vẫn kiên nhẫn theo dõi tôi và cụ rất thất vọng khi thấy tôi chẳng chú ý đến tem nữa. Nhưng với bản lĩnh của một nhà giáo, bố tôi nhận thấy cần phải thay đổi phương pháp giáo dục tôi. Bố tôi có một người bạn tem ở Hungary, chỉ biết nhau qua thư từ mà chưa một lần gặp mặt. Ông ta đề nghị với bố tôi phương thức trao đổi sau: cứ 100 con tem Việt Nam đóng dấu, sạch, không rách đổi lấy 1 bộ tem Hungary sống (chưa đóng dấu). Vì thế bố tôi có hợp đồng với chú Thảo (cán bộ hành chính ngân hàng) thu thập các bì thư thực gửi, cắt tem trên đó ra và mang đến cho bố tôi vào tối thứ sáu hàng tuần. Tôi còn nhớ công việc này tiến hành đều đặn cho đến khi xảy ra chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc (5-8-1964) thì thưa dần và đến 1969-1970 thì chấm dứt do ông bạn Hungary của bố tôi không trao đổi nữa. Số lượng tem mà bố tôi trao đổi khi đó thường từ 3.000 dến 5.000 con mỗi tuần, thậm chí có tuần lên đến 8.000 con. Vì tôi nghịch ngợm nên bố tôi thường sai tôi đem tem ngâm nước rửa sạch hồ rồi phơi ngược mặt tem lên tờ báo cho khô, sau đó chọn ra: tem rách bỏ đi, tem không có dấu hủy đưa vào loại tem sống, tem mệnh giá tiền cao để riêng… Công việc khá vất vả với cậu bé hiếu động như tôi. Trước khi đem tem ngâm nước phải xé hết phần giấy phong bì có viết mực tím hay mực Cửu Long để tránh khi ngâm nước mực thôi ra làm hỏng tem. Tem ngâm trong nước ấm khá lâu, sau đó rửa sạch lớp hồ nếp ở mặt sau tem, rửa nhẹ nhàng không để rách tem. Tiếp theo đem phơi ngược mặt tem lên tờ báo, sở dĩ phơi ngược mặt tem là để tránh cho tem dính vào mặt báo bởi mặt sau tem đôi khi vẫn sót ít hồ chưa rửa hết. Khi tem khô mới thu thập lại và phân loại như tôi đã kể trên, tem nào nhiều thì đóng gói 100 con mỗi gói.
 
Công việc tuy vất vả, chiếm cả ngày thứ 7 của tôi nhưng rất bổ ích. Tôi đã biết nâng niu các con tem để không bị rách, nhất là lúc ngâm nước. Tôi đã tự biết phân loại tem quý và không quý, dấu đẹp và dấu xấu… Và quan trọng nhất là ngọn lửa đam mê sưu tầm tem trong tôi đã bùng cháy trở lại. Tôi háo hức chờ chú Thảo đến vào tối thứ 6 hàng tuần như mong mẹ đi chợ về. Tôi bắt đầu say mê sưu tầm tem với một phong cách mới: chín chắn hơn và có hiểu biết hơn.
 
Công việc mà bố tôi giao cho tôi làm thời đó cũng là một lời đáp cho câu hỏi “Vì sao bì thư thực gửi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại quý hiếm?”. Tôi đã từng rửa rất nhiều tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kể cả tem sự vụ, tem bưu chính nông thôn, tem quân đội và tem thương binh. Lúc đó, các nhà sưu tầm tem ở miền Bắc chưa có ý thức sưu tầm bì thư thực gửi. Tôi chỉ thấy có chú Vỹ thích sưu tầm các bì thư thực gửi của quân nhân có dán tem quân đội hay tem thương binh.
 
Sau này khi sang sinh sống ở Đông Âu, tôi luôn ý thức tìm kiếm các bì thư thực gửi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có bút tích của bố tôi nhưng chưa một lần tìm thấy. Ngay cả ông bạn người Hungary của bố tôi cũng không giữ các bì thư thực gửi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Khi viết lại những dòng hồi ức này, tôi rất tâm đắc với thú sưu tầm tem bởi nó đã giúp tôi tiếp cận các tri thức mới, quen những người bạn tốt và hoàn thiện bản thân mình. Đó là điều quý nhất mà bố tôi - Nhà sưu tầm lão thành Đàm Trung Thiện - đã để lại cho tôi trên cõi đời này.
 
Nguồn: Đàm Hiếu Mạnh (Ba Lan)/vietstamp.
 

See more news