Văn học dân gian trên tem bưu chính.

Văn học dân gian đã được thể hiện trên rất nhiều con tem bưu chính, là mảnh ghép độc đáo trong bức tranh đa sắc màu được dệt lên trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, khẳng định văn học dân gian Việt Nam vẫn luôn có vị thế quan trọng, giá trị nhân văn, ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền qua nhiều thế hệ.

Văn học dân gian phản ánh không gian đời sống cộng đồng làng xã Việt Nam thân thuộc, gắn bó chặt chẽ với chặng đường lịch sử đất nước; đồng thời thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người người lao động bằng những hình tượng được xây dựng sinh động, mang tính nghệ thuật cao. Văn học dân gian Việt Nam đã thể hiện gần gũi mà sâu sắc vẻ đẹp của trí tuệ và tâm hồn dân gian tràn đầy tinh thần lạc quan và chủ nghĩa nhân đạo.

Chủ đề truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian thường được thể hiện bằng những bộ tem in liên hoàn, người xem có thể coi các bộ tem như cuốn truyện ngắn gọn, xúc tích với nội dung, hình ảnh cô đọng nhất. Công ty Tem bưu chính xin gửi đến hình ảnh những câu truyện dân gian Việt Nam đặc sắc được thể hiện qua tem bưu chính.

Trong giai đoạn 1945-2005, tem bưu chính đã giới thiệu tới người yêu tem trong và ngoài nước những bộ tem đậm nét văn học dân gian, liên quan tới thời kỳ Vua Hùng. Bộ tem đầu tiên là “Sơn Tinh, Thủy Tinh” được phát hành ngày 20/1/1987, gồm 8 mẫu tem được in liên hoàn theo hàng ngang, tổng giá mặt là 24 đồng, do họa sĩ Lê Toàn thiết kế. Truyện cổ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh mượn hình ảnh 2 vị thần tranh giành công chúa để khắc họa hiện tượng giông bão, lũ lụt hàng năm xảy ra trên đồng bằng châu thổ sông Hồng ở nước ta.

Bộ tem “Sơn Tinh, Thủy Tinh” phát hành ngày 20/1/1987

Tiếp đó là bộ tem “Thánh Gióng” gồm 5 mẫu tem, tổng giá mặt là 750 đồng, phát hành ngày 01/7/1989 với 5 bối cảnh đặc trưng của truyền thuyết Thánh Gióng. Bằng những nét vẽ uyển chuyển, họa sĩ Trần Thế Vinh khắc họa hình ảnh người anh hùng làng Gióng có công chống giặc ngoại xâm thời vua Hùng Vương thứ 6, thể hiện sức mạnh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết và niềm tin bất diệt của nhân dân vào sức mạnh thần kì của dân tộc.

Một điểm đặc biệt, hai bộ tem này dược đều được in tại nước ngoài; bộ tem “Sơn Tinh, Thủy Tinh” được in tại Hungary, còn “Thánh Gióng” được in tại Liên Xô.

Bộ tem “Thánh Gióng” phát hành ngày 01/7/1989

“Tấm Cám” là một trong những truyện cổ tích đặc sắc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Sự chuyển biến hình tượng của Tấm chính là sự đấu tranh giữa điều thiện với cái ác, là sự mâu thuẫn và xung đột trong gia đình trong bối cảnh xã hội xưa. Nhưng trên tất cả là thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, đánh giá cao phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người.

Bộ tem “Truyện cổ tích Tấm Cám” gồm 6 mẫu thể hiện bối cảnh, nội dung cốt truyện, do họa sĩ Trịnh Quốc Thụ thiết kế, in opset nhiều màu. Các chi tiết được chắt lọc, cô đọng, thể hiện nhiều hình ảnh mang tính thuần Việt đặc trưng: áo tứ thân, nón quai thao, cây đa, giếng nước,…

Bộ tem “Truyện cổ tích Tấm Cám”

Một bộ tem đáng chú ý khác là bộ tem “Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ” ra mắt đúng dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2000, được thiết kế bởi họa sĩ Hoàng Thúy Liệu - người đã khai thác đa dạng các chất liệu văn hóa dân gian, sử dụng những chất liệu đặc sắc ấy tạo nên dấu ấn riêng trên những cánh tem.

Bộ tem bao gồm 6 mẫu tem có kích thước 27 x 37 mm, với những hình ảnh thể hiện nội dung cốt lõi của truyền thuyết về nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” của dân tộc Việt Nam, việc lập nước và mở mang bờ cõi nước Việt có từ buổi Lạc Long Quân cùng Âu Cơ đi khai sơn, lập địa.

Bộ tem thể hiện rõ nét truyền thống đoàn kết, gắn bó như anh em một nhà của dân tộc Việt Nam, những người cùng sinh ra từ “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ.

Bộ tem “Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ”

Năm 2021, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Bộ Thông tin và truyền thông cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam mang đến hình ảnh dân gian đương đại sinh động qua bộ tem “Truyền thuyết Mai An Tiêm (Sự tích Quả dưa hấu)”.

Bộ tem gồm 04 mẫu và 01 block giá mặt: 4000đ, 4000đ, 4000đ, 6000đ và 18000đ; được thiết kế theo bố cục liên hoàn kết nối nội dung truyện trong không gian truyền thuyết tươi sáng do họa sỹ Tô Minh Trang thiết kế. Bộ tem đã góp phần giới thiệu nội dung và giá trị lịch sử của chuyện dân gian Việt Nam, từ đó lan tỏa những bài học đạo đức được hun đúc qua các hình tượng nhân vật trong các tác phẩm với cộng đồng và đặc biệt là các em thiếu nhi.

Block bộ tem “Truyền thuyết Mai An Tiêm (Sự tích Quả dưa hấu)” trên phong bì

Gần đây nhất, trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm tem bưu chính quốc gia (Vietstatmpex 2020), ngày 25/6/2022, bộ tem “Truyện cổ tích Việt Nam: Cây khế” được Bộ Thông tin và truyền thông phát hành gồm 04 mẫu và 1 block với hình thức thiết kế liên hoàn, đặc biệt block được thiết kế dị hình.

 

Với hình ảnh quả khế xuất hiện xuyên suốt, bộ tem được thiết kế như một bức tranh toàn cảnh đời sống sinh hoạt gần gũi của làng xã Việt Nam xưa, cùng những hình ảnh mang đậm chất dân gian: nhà cổ, sân gạch, áo dài, con trâu,…. Với nét vẽ sinh động, cuốn hút, tính cách nhân vật chính diện, phản diện đều được khắc họa tương phản rõ ràng. Bộ tem có khuôn khổ tem 32 x 43 mm, blốc có khuôn khổ 120 x 120 mm, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 25/6/2022 đến ngày 31/12/2023.

Văn học dân gian là tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, có sức sống mạnh liệt qua nhiều thế hệ cũng như những cánh tem bưu chính luôn luôn gắn liền với thăng trầm của đất nước.

Tem bưu chính không những ghi lại dấu ấn lịch sử không thể nào phôi phai mà còn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho mọi thế hệ người dân đất Việt.

 


See more news