Con tem với người lính

Ngày ấy, quân đội có một loại tem “đặc chủng” phát cho sĩ quan và lính để họ gởi thư về cho gia đình. Tiêu chuẩn mỗi tháng, một người lính được hai con tem. Đối với người ít viết thư thì không sao, còn với người viết nhiều và với thanh niên mới nhập ngũ lại vừa có người yêu thì hai con tem chẳng bõ bèn gì. Thế là những người ít viết thư xem ra “trúng mánh”. Hễ mỗi lần phát tem là mấy người ấy được hút thuốc lá thả cửa, kẹo ăn mỏi răng. Đơn giản là ai muốn có con tem thì phải đổi, “luật bất thành văn” cứ thế mà làm. Nhưng không phải hễ có kẹo, có thuốc là đổi được tem. Có khi mấy anh ấy cao hứng viết thư thì những ai muốn đổi cũng đành chịu!

 Lúc đó chúng tôi đang trong thời kỳ huấn luyện, phải bí mật, ở xa dân, thiết quân luật cũng rất nghiêm. Mỗi lần viết thư, câu chữ phải ngắn gọn súc tích để trên mỗi trang giấy có thể chuyển tải hết được lượng thông tin cần thiết nhằm hạn chế gởi nhiều thư. Đó là thư gửi cho gia đình. Còn viết thư cho người yêu thì sao? Tình cảm không thể dồn nén cô đọng trong những câu ngắn gọn như mệnh lệnh của quân đội được. Phải bay bướm, “hoa lá cành”, nói sao cho thật mùi mẫn để người yêu nhớ thương, chờ đợi mình trong chiến tranh. Thế là thi nhau viết hết trang này qua trang nọ. Và rồi không biết từ đâu lại tung ra cái tin: Muốn thư đi nhanh hơn thư người khác thì phải dán càng nhiều tem càng tốt. Thế là lính chúng tôi thi nhau dán thật nhiều tem (tối đa ba cái) và an tâm là thư của mình sẽ tới nhanh hơn. Nhiều khi thư viết cho người yêu xong rồi mà không có tem, đành cầm một phong lương khô đổi lấy một con tem với quyết tâm “thà đói bụng một chút chứ không thể để đói tình cảm và tình yêu”. Nói đổi cho oai vậy thôi, chớ khi lấy xong tem rồi thì bóc lương khô ra ăn cùng nhau, rất tình cảm. Cuộc sống của lính bao giờ cũng vậy, không có gì quý hơn tình đồng đội, đồng chí.

 Thời kỳ huấn luyện thì “khủng hoảng thiếu” tem. Đến khi được lệnh đi chiến trường, chúng tôi được phát một lượng tem tương đối, để dọc đường hành quân viết thư về cho gia đình và người yêu. Vào đến đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi vẫn chăm chỉ viết thư, và lục đáy ba lô để tìm những con tem được cất kỹ ở đó. Sau mỗi trận chiến đấu, đồng đội ngã xuống nhưng trong ba lô vẫn còn những con tem được gói kỹ, những bức thư của gia đình và người yêu được bọc trong bao nhựa rất cẩn thận.

 Chiến tranh đã lùi xa. Thế hệ chúng tôi, nhất là đồng đội tôi nay người còn, người mất. Nhưng kỷ niệm về một thời chiến tranh, về những lần viết thư và nhận thư nhà thì không thể nào quên được...

 

VÕ HOÀNG NAM/Báo Phú Yên


See more news