Nhịp cầu sưu tập:Ông “Đại sứ 4 nước” và chợ Tem Hà Nội !

“Chợ Tem” Hà Nội

Đến Hà Nội mà bạn muốn tìm mua tem ? Người ta thường chỉ cho bạn 2 điạ chỉ là “14 Trần Hưng Đạo” và “160 Triệu Việt Vương”. Một đằng thì gọi là “Cửa hàng”, còn nơi kia thì kêu là “Chợ” !

Tọa lạc ngay đầu một đại lộ loại đẹp nhất Thủ đô… “xưa”, Cửa hàng “Tem chơi Quà tặng” của Công ty Tem Việt Nam được đặt ngay tại trụ sở chính 14 Trần Hưng Đạo. Tuy diện tích ở đây còn khiêm tốn nhưng cửa hàng này luôn sạch sẽ, bầy biện gọn gàng, tủ kính sáng loáng, danh mục hàng bán và giá cả được niêm yết công khai… Chẳng những thế ở đây còn có bàn ghế cho bạn ngồi xem và tra cứu, sẵn cả “bình nước lọc”, ấm chén và trà nóng… miễn phí ! Nói tóm lại điều kiện phục vụ ở đây theo kiểu không gian sau cánh cửa kính là một khoảng không yên tĩnh, dịu mát, không bụi bặm... Cửa hàng luôn mở cửa đón khách theo đúng giờ hành chính… do nhà nước qui định. Vậy mà người ta thấy ở đây lúc nào cũng có người vào ra liên tục, nhất là những dịp có tem mới phát hành hoặc mỗi khi có sự kiện quan trọng gì về tem. Khách các tỉnh về có mà khách người nước ngoài cũng có. Tem Việt Nam mua ở đây rõ ràng là chỉ có… “hàng xịn”, giá cả lại niêm yết rõ ràng...

Ngược lại, “Chợ Tem 160 Triệu Việt Vương” thì đúng là… “chợ” thật. Chợ họp theo phiên, mỗi tuần một lần vào sáng chủ nhật và ngồi ngay bên hè phố, không cửa hàng cửa hiệu chi hết. Mua bán thì ngồi từ trong nhà tràn cả ra vỉa hè…

Người bán mang hàng ra “chợ” loay hoay tự tìm lấy chỗ mà ngồi. Yên vị rồi, có muốn thì gọi ấm chè, mà không gọi thì chị chủ quán chị tinh ý cũng đã biết được đâu là khách của chị vào uống cà phê sáng, đâu là mấy ông đến với tem, dù mới gặp lần đầu… Chẳng thế mà trước đây đã có lần nói trêu: “Gớm, “dân… tem” các anh đi ngoài đường em cũng nhận ra ngay ! Trông cứ ngơ ngơ thế nào ấy !”… Có lẽ sự đam mê, tính chi ly, tỷ mỷ, tính cẩn thận, kiên nhẫn… của người mê tem nó cũng… lộ ra nét mặt thật.

Đối với Tp Hồ Chí Minh thì các tụ điểm tem chơi kiểu này đã có từ lâu. Một mặt do  phong trào chơi tem phát triển, người chơi đông và đã quen với nếp sống thị trường. Anh em sưu tập tem vẫn sẵn có những điểm hẹn riêng. Đến đó, kêu ly cà phê, ngồi đọc tờ “nhật trình” rồi chờ nhau đến để gặp gỡ, hàn huyên, trao đổi mua bán tem. Xong việc, ai về thì về, ai có thời gian thì ngồi lại cũng không sao… Đó là phong cách người Sài-gòn. 

Qua quá trình phát triển, do lịch sử, mỗi nơi cũng có những nét riêng, đối với dân Hà Nội thì hơi khác. Trước đây ngày đất nước còn chiến tranh, Hà Nội sơ tán vắng tanh, nhưng hễ có dịp về Hà Nội, một số người chơi tem vẫn tìm nhau để chuyện trò, trao đổi. Có lẽ đã chơi tem thì luôn cần có bạn để chia sẻ niềm vui, để trao đổi vật phẩm những con tem mà người này thì thừa mà người kia chưa có. Ngày đó, người ta còn mới chỉ quen “cho”, “biếu”, “tặng”… nhau tem, cùng lắm là trao đổi chứ chưa quen… “mua bán”. Trước hết, ngày đó do giá trị bằng tiền của các con tem chẳng đáng bao nhiêu và thứ nữa, còn do quan niệm về cái đẹp, về sự thanh cao… Người ta cho rằng để yêu tem thật sự cũng từa tựa như yêu thơ. Cái đẹp không phải là phẩm chất vốn có trong con tem mà chỉ tồn tại trong tinh thần người thụ hưởng nên nói đến chuyện tiền nong nhiều lại e làm hạ thấp tính tao nhã của thú chơi…

Nhưng từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, phong trào chơi tem được hồi sinh. Bạn bè khắp hai miền tìm đến nhau. Và rồi Hà nội người ta thấy có một “chợ tem” xuất hiện.

Tuy vậy, cụm từ “Chợ Tem” thì có lẽ lại phát sinh từ Hà Nội. “Họp chợ” mang đậm một sắc thái văn hóa chợ quê của đồng bằng Bắc Bộ. Ở đó, định phiên những người nông dân mang thúng gạo, chục trứng ra chợ bán để rồi lại để mua đấu ngô, xóc cua, mớ tôm… mang về dùng. Họ đến đây vừa là người bán và cũng lại là người mua. Tan phiên, người đi chợ về thế nào cũng còn mang theo đồng quà tấm bánh cho con trẻ, người già… Cho nên phiên chợ này chẳng những vừa là một tụ điểm trao đổi hàng hóa mà còn là một tụ điểm văn hóa, gặp gỡ, giao lưu… Người ta đến đây vừa là “đối tác”, vừa là “bạn bè”. Nhưng rồi đã ra chợ thì người thập phương tứ xứ ngồi lại với nhau, chuyện hay có mà chuyện dở cũng có… Cho nên đôi khi có đôi ba câu chuyện đĩa bát xô lệch cũng là chuyện bình thường…

Thế rồi chính con tem vẫn là chất keo gắn kết mọi người, điều chỉnh hành vi, thu xếp ổn thỏa thu gom họ lại với nhau… Cho nên, gần suốt hai chục năm qua chợ vẫn cứ đông vui … và cũng là chiếc nhiệt kế để đo sức khỏe phong trào.

Người khởi xướng việc lập chợ khi đó là anh Phạm Hào, Chủ nhiệm CLB Maxi Card  của Hội Tem Hà Nội. Chợ họp tại quán cà phê ở cửa nhà anh, khi đông thì khách ngồi tràn ra cả vỉa hè và địa chỉ nhà anh trở thành địa danh “Chợ Tem Triệu Việt Vương”.

Chợ Tem gợi nhớ quê hương…

Chợ tem này hình thành sớm nên cũng có cái duyên riêng. Bè bạn các tỉnh về đây kiếm tem miết rồi cũng đâm quen. Mặc dầu hiện nay cuộc sống công nghệ, người ta mua bán tem online. Chào bán thì đưa lên “phây”, thanh toán thì qua “thẻ” còn giao hàng thì thuê “síp” qua chuyển phát nhanh. Thế nhưng cứ đến phiên người ta vẫn rủ nhau ra chợ… Đến “chợ” thấy khác đi siêu thị, người ta vẫn tìm thấy ở đây một tình thân, một sự giao cảm đồng điệu thú vị và bổ ích.  Sự tồn tại của “chợ tem” này không những chỉ phản ánh nhu cầu mua bán trao đổi tem, phản ánh phong trào chơi tem mà có lẽ còn phản ánh một sắc thái văn hóa riêng. Không ít lần người ta còn gặp cảnh các nhà truyền hình mang đèn đóm, máy móc lỉnh kỉnh đến đây để quay phim, trong đó cả những kênh truyền hình nổi tiếng ở nước ngoài. Có thể họ cảm thấy điều này còn nói lên sự phong phú đa dạng trong sinh hoạt văn hóa thành phố chúng ta chăng ?

Thế rồi người nọ mách người kia nên ra chợ thấy  khách ta có mà khách “tây”cũng có. Khi thì một ông già người châu Âu, một bác người Nhật, một vài anh người Hàn, Thái,  Trung Quốc, v.v… Họ là những người làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài hay các tổ chức quốc tế chắc sang sinh sống ở Hà Nội cũng đã lâu. Thế rồi một hôm nào đó chợt nhớ đến tem thì sáng chủ nhật họ cũng cố lò rò ra chợ... Chắc những lúc đó trong không khí thân ái phần nào cũng giúp họ dịu bớt nỗi nhớ nhà…

Còn nhớ một lần tôi được gặp một bác Việt Kiều từ Pháp về. Xa đất nước ngay từ những ngày trước năm 1954. Hôm đó đến chợ tem thấy anh em sinh hoạt, bác tâm sự: “Xa quê hương nhiều lúc tôi vẫn nhớ đến các phiên chợ quê. Xưa ở nhà được buổi mẹ hẹn cho theo ra chợ là bọn trẻ náo nức đến mấy ngày. Bán xong gánh gạo sau mấy đêm xay giã, sàng xẩy đó, lúc ra về được theo mẹ đi khắp chợ, thấy có gì hay mẹ cũng mua, từ mớ tép, thìa muối, tí mỡ đến chiếc khăn tay… Đôi khi cu Tí mè nheo còn được mẹ mua cho cả con tò he. Và cuối cùng thì mấy mẹ con vào mua một mẹt bún với đậu nướng mắm tôm… rồi mới về.

Phiên chợ thực sự là một ngày vui của cả gia đình. Ra chợ người ta hưởng trọn niềm vui của cả người bán lẫn người mua. Người đi chợ không phải chỉ lo bán sao cho hết hay mua cho nhanh rồi về mà còn để gặp gỡ giao lưu… Sự đậm đà đó đến nay tôi không thể nào quên” – bác nói.

“Ở nước ngoài trước đây cũng có những khu chợ bán đồ cũ nhưng người mua là người mua, người bán là người bán nên không có thể có sự cảm thông lẫn nhau như ở chợ tem này …” .

 … chợ tem là nhịp cầu hữu nghị

 Sáng chủ nhật lần đó, vừa tới nơi tôi đã gặp một “ông Tây lạ” !. Gọi là “lạ” vì trước đó tôi chưa gặp ông ở chợ lần nào. Thế nhưng thấy ông đi lại chuyện trò có vẻ thân thiện lắm. Tôi ngạc nhiên khẽ hỏi anh bạn ngồi bên: “Ai đấy ?”

- “Ô anh không biết thật à ? Ông ấy là Đại sứ Angérie ở Việt Nam đấy. Lâu nay đi đâu vắng, mà hôm nay mới lại thấy ra chợ ?...”

Sau này tôi mới biết danh xưng đầy đủ của ông là “Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Angiêri Dân chủ và Nhân dân tại nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt nam   

Mohamed Berrah”. Hơn cả thế, ông còn là đại sứ cùng lúc tại… cả 4 nước Việt Nam, Lào, Campuhia và Myanmar…

Ấy vậy mà “ngài” vẫn… thích tem. Quý thật !... Tôi nghĩ bụng “Giá mà… rủ được ông vào Hội cũng vui... Điều lệ có cho phép mà…

            Ông tới chợ như một người yêu tem nhưng vẫn là một vị đại sứ đi đan kết tình hữu nghị giữa 2 quốc gia. Ông luôn bày tỏ sự quý mến đối với nhân dân Việt Nam, trân trọng lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nghe nói đến nay ông đã có hầu như đầy đủ tất cả những con tem Việt Nam có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ra chợ, ông còn mang theo cả những cuốn album cá nhân để giới thiệu các con tem Algérie, chia sẻ những con tem hay mới kiếm được với mọi người. Nhưng như để tránh sự khác biệt và không bình đẳng có thể có, ông luôn vui vẻ, nhiệt tình cùng tham gia mua bán, trao đổi tem… Qua đó, nhiều anh chị em ở đây thấy ông là người am hiểu tem chơi, đồng cảm, gần gũi và dễ mến…

Trong những câu chuyện, ông vẫn thường nhắc tới “sự gần gũi vốn có” giữa nhân dân 2 nước. Vâng, đúng thế, về mặt địa lý thì tuy một nước nằm cận kề ngay bên nước Pháp, còn nước kia lại ở tít tận vùng Viễn Đông xa xôi. Nhưng 2 nước vẫn luôn cảm thấy “gần gũi” vì đều là thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp.

 

Ngay từ ngày còn đang dấn thân tìm con đường giải thoát cho dân tộc mình thì nhà yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã không quên những người anh em cùng cảnh ngộ. Cho nên sau này, khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Người dành cho nhân dân Algérie vẫn luôn là tình cảm của “Hội Liên hiệp các thuộc địa”, là tình cảm của những người đã sát cánh cùng nhau để làm tờ báo “Le Paria” ở Paris (“Người cùng khổ”) năm xưa.      Rồi sự vùng lên giành độc lập và cuộc  kháng chiến chống Pháp kiên cường của nhân dân Việt Nam vừa nhận được ngưỡng mộ và hết lòng ủng hộ của nhân dân Algérie, vừa tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Algérie trong cuộc kháng chiến của mình… Hình ảnh những người lính Algérie phản chiến còn ở lại Việt Nam đến trước khi trở về tham gia cuộc chiến đấu dành độc lập, hình ảnh những người công nhân bốc vác cảng Alger đình công không chịu bốc vũ khí của quân đội Pháp chở qua Đông Dương hồi thập kỷ 50 của thế kỷ trước cũng vẫn còn lưu trong tâm trí nhiều người Việt Nam…      

            Nhiều người ở chợ vẫn còn nhớ, một lần ra chợ, ông giới thiệu với mọi người về một bộ tem Algérie mới phát hành. Đó là bộ tem “Kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Algerie-Việt Nam". Ông còn hào hứng ký tặng cho một số anh em có mặt hôm đó. Bộ tem ghi dấu mốc về lịch sử quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Có một số anh em sưu tập quan tâm đến những sự kiện chính trị - ngoại giao rất thích con tem này. Ông Berrah sang Việt Nam trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 5/3/2015 và bộ tem được phát hành nhân dịp kỷ niệm này năm 2017 vào ngày 28/10/2017, chắc trong nhiệm kỳ công tác của ông. Là một người am hiểu rõ về vai trò của tem nên chắc con tem này ra đời có sự đóng góp tích cực của Ngài Đại sứ. Không hiểu sao bộ tem này chưa thấy phổ biến trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam. Có một lần khi kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Algérie 2016, ông có gợi ý các doanh nghiệp nên hợp tác song phương và lấy Algérie làm đầu cầu tiến vào Bắc Phi. Đó là những việc lớn quốc gia không dám lạm bàn. Nhưng trong tem chơi chúng ta có thể nhờ “người bạn tem” này góp sức để đẩy mạnh mối quan hệ tem chơi giữa Việt Nam – Algérie, hay rộng hơn chút nữa là phổ biến tem Việt Nam tại các nước Bắc Phi trong tương lai ?

(Nguồn: Tạp chí tem số 159)


See more news