Chơi tem thời 4.0

Chơi tem ở Việt Nam

Sưu tập tem vốn là lĩnh vực văn hóa rất kén người tham gia, lại càng khó giữ chân người chơi theo cách có chiều sâu. Tuy chơi tem là một trong những loại hình văn hóa phổ biến trên thế giới song hành với sưu tập cổ vật, nhưng lại đòi hỏi những kỹ năng rất khó học và sự may mắn hiếm có để sở hữu những “bảo vật tem”.

Cho đến nay, không có một tư liệu chính thức nào nghiên cứu và xác định đúng thời điểm thú chơi sưu tập tem ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người chơi tem lâu năm cho rằng, thú chơi ấy phát xuất từ những gia đình giàu có, mãi sau mới phổ biến và dần “tụ” lại ở những người có cảm tình đặc biệt với các bộ tem mang tầm lịch sử. 

Đặc biệt vào thời kỳ Pháp thuộc, ở nước ta đã có một vài hội nhóm chuyên sưu tầm tem và họ giữ lại được những con tem quý hiếm có giá trị kinh tế lên tới cả nghìn USD.

Đến năm 1960, Hội Tem Việt Nam chính thức được thành lập tạo điều kiện cho thú chơi phát triển mạnh mẽ.

Theo tìm hiểu, trước đây thú sưu tập tem chủ yếu phát triển ở những người cao tuổi, thì hiện nay việc chơi tem lan tỏa chủ yếu ở những người trẻ tuổi.

Thậm chí, nhiều nhà sưu tầm còn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên nhưng có khối lượng tem chơi ở mức đồ sộ và chất lượng. Phong cách sưu tập của họ cũng rất phong phú, tập chung theo các chuyên đề như: Lịch sử, danh nhân, phong cảnh…

Một trong những lý do thu hút giới trẻ tham gia sưu tập tem, ngoài ảnh hưởng của văn hóa thì vấn đề kinh tế đã làm cho thị trường tem chơi ngày càng sôi động. Thú chơi này đã thu hút, hội tụ đủ thành phần, lứa tuổi và trở nên rầm rộ vào những năm 1970 - 1980. 

Năm 2009, cả nước có 33 hội tem tỉnh - thành phố với gần 300 câu lạc bộ, khoảng 6.500 - 7.000 hội viên và khoảng 10.000 - 15.000 thanh thiếu niên chơi tem.

Đến nay, số lượng hội nhóm và người chơi tem đã lên tới hàng trăm nghìn thành viên, và quan trọng là sự góp mặt của các nhà sưu tập tầm vóc.

Đơn cử như nhà sưu tập Trần Hữu Huệ ở An Giang với cả vạn con tem giá trị từng đoạt huy chương trong những đợt triển lãm tầm châu Á và thế giới. Có những con tem của ông Huệ được trả giá 3.000 USD và trở thành niềm khao khát của nhiều nhà sưu tập khác.

Trong bộ sưu tập của mình, ông Huệ còn giữ được bộ tem nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Đây là bộ tem cực hiếm và nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.

Một trong các lý do khiến bộ tem này nổi tiếng và được quan tâm vì gắn liền với sự kiện lịch sử. Sau khi in, kho chứa tem bị máy bay Pháp bắn cháy nên số lượng không còn nhiều.

Tem cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) phát hành năm 1964. Ảnh: IT.

Phát triển nhờ mạng xã hội

Theo số liệu kinh doanh của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, thì doanh số tem chơi khá khiêm tốn so với các hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngành bưu chính.

Một trong các nguyên nhân được đưa ra là sự phát triển của khoa học công nghệ. Cùng với đó là chủ đề của các bộ tem chưa đa dạng, kỹ thuật in hạn chế, nhu cầu tích giữ tem và bán ra thế giới không còn được phát triển mạnh mẽ như thời kỳ trước năm 2000.

Trước thực tế khó cứu vãn, ngành tem đã đổi mới hình thức phát hành với các mẫu tem cầu kỳ và thu hút giới sưu tập săn lùng, không chỉ làm quà tặng mà còn là một sản phẩm tổng hợp của văn hóa, mỹ thuật, kỹ nghệ kim khí và in ấn.

Trong thời kỳ công nghệ 4.0, đa số thư từ được người sử dụng thông qua hệ thống điện tử. Vì thế, nhiều người lo ngại thị trường tem Việt sẽ không còn “đất sống”. Trái ngược với suy đoán đó, thị trường tem Việt lại càng phát triển nhờ thu hút được giới trẻ.

Hoàng Đình Cương - một nhà sưu tập sinh năm 1990 ở Nam Định cho biết, nhờ mạng xã hội mà hoạt động sưu tập và kinh doanh tem trở nên phổ biến và thuận lợi hơn.

Các hội nhóm công khai với hàng trăm nghìn thành viên tạo ra một thị trường không chỉ sôi động mà còn mang tầm ảnh hưởng văn hóa rất lớn.

Các nhà sưu tầm tem hiện nay cũng tương đối giống hoạt động sưu tập cổ vật, đó là sưu tầm theo chủ đề. Có những người chuyên tem thiên nhiên, lại có người chuyên tem lịch sử hoặc danh nhân. Cùng với hoạt động sưu tầm tem Việt, họ mở rộng mua bán cả tem của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Khi công nghệ mạng xã hội phát triển, người sưu tập và người kinh doanh tem có điều kiện theo dõi giá cả thường xuyên, nắm bắt được xu hướng, thị hiếu cũng như giá trị cập nhật của tem từng giây phút.

Từ đó, các nhà sưu tập có thể đánh giá tiềm năng của hoạt động sưu tập tem thế giới để căn cứ vào đó đưa ra mức mua bán, trao đổi tem. 

Hình ảnh những con tem Việt Nam trên mạng xã hội của các hội nhóm tem nước ngoài luôn là niềm tự hào. Kinh doanh sưu tập tem và quảng bá văn hóa thời công nghệ 4.0 đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, giới sưu tập tem cũng lo ngại khi công nghệ phát triển quá mạnh sẽ tạo yếu tố bất lợi như việc sưu tập trở nên khó khăn hơn đối với những con tem quý hiếm; chúng có thể bị thất thoát, mất thông tin hoặc có thể gây thiệt hại về kinh tế cho chính người sở hữu.

Ngày 27/8/1946, thừa ủy quyền Chủ tịch Chính phủ, Quyền Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 172 cho phép Nha Bưu điện Việt Nam in và phát hành bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Với ý nghĩa lịch sử, ngày 27/8/1946 được coi là ngày mở đầu cho dòng tem bưu chính Cách mạng Việt Nam.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại - Trần Hòa

 

 


See more news