Có một con tem mà người ta luôn nhắc đến, truyền tụng hết thế hệ chơi tem này qua thế hệ chơi tem khác hơn một thế kỷ nay vẫn chưa dứt. Cuộc đời trầm luân của “nàng” khiến không ít người cảm động và cũng thêm thắt cho nó nhiều tình tiết đầy mầu sắc lãng mạn và thi vị…
Con tem đầu tiên trên thế giới in hình Nữ Hoàng Victoria của nước Anh ra đời năm 1840 mà ai cũng biết vì vai trò lịch sử của nó. Tuy nhiên, còn một con tem nữa, thoạt trông thì lọ lem, xấu xí, bị “cuộc đời quăng quật lên bờ xuống ruộng”, ban đầu chẳng ai biết đến, nhưng rồi một ngày đẹp trời, khi “nàng” từ bãi rác bước ra chói lọi hào quang thì ai một lần trong đời có cơ hội được chiêm ngưỡng đều tự coi như mình đã được hưởng một diễm phúc.
Ban đầu, giá trị của cả 2 con tem trên đều chỉ là tem 1 xu (One Penny). Người Anh gọi con đầu là “One Penny Black” (Một xu đen) và con thứ hai là “One Penny Magenta” (Một xu đỏ) vì 2 nàng đều sinh ra trên đế quốc rộng lớn của họ. “Hắc Công nương” ra đời ở đất kinh thành và luôn được mọi người nhắc đến và tôn vinh như một nữ hoàng. Còn “Hồng Cô nương” xuất hiện 16 năm sau đó tại một thuộc địa xa xôi – Xứ Guiana thuộc Anh - “British Guyana” - bên kia bờ Đại Tây dương ở tận “Tân Thế giới”.
Tuy nhiên, trải qua “nhiều cuộc bể dâu”, đến nay nếu có khoảng 2,8 triệu đồng Việt Nam (Giá chào bán qua mạng), bạn đã có thể được sở hữu một “Nữ Hoàng Đen”. Nhưng dù có 2,8 triệu đô la cũng chưa chắc mua nổi nàng “Lọ lem Đỏ”. “Cô” đã trở thành một báu vật vô giá và đến giờ này vẫn được coi như là duy nhất trên thế giới mặc dù người ta vẫn không ngừng tìm kiếm những anh chị em song sinh của nó.
Nhưng nếu tình cờ bạn có gặp được một con tem “Guyana 1 xu mầu đỏ”, xin chớ vội mừng. Lịch sử bưu chính Guyana đã để lại không chỉ có một mà có ba loại tem cùng có tên là “1 xu đỏ”. Con tem mà chúng ta sẽ nói tới đây phải là con tem “1 xu đỏ” phát hành năm 1856.
Gia đình Bưu chính “Guyana thuộc Anh” thực ra đã làm khai sinh cho 3 loại tem “1 xu đỏ” trong các hoàn cảnh khác nhau. Dịch vụ gửi gói ở đây thực sự đã có từ năm 1796, nhưng tới ngày 1/7/1850, Chính phủ Anh mới cho thiết lập hệ thống bưu chính nội địa ở Guyana. Mọi việc đã bắt đầu, nhưng tem từ chính quốc chưa kịp đưa sang. Chủ sự Bưu điện Georgetown đã đến nhà in báo Royal Gazette để yêu cầu in một số tem không răng. Những con tem này đều được in bằng mực đen nhưng trên các loại giấy có mầu sắc khác nhau để phân biệt các loại giá. Ngoài cùng của các con tem này là một hình bao tròn, trên vành có chữ “British Guyana” và giữa là các con số từ 2 đến 12 xu. Ngày nay giới sưu tầm gọi các con tem này là tem “cotton reel” có nghĩa là tem “cuốn chỉ” vì chúng được in quay tròn bằng máy in báo... Loại này ngày nay cũng cực hiếm.
Sau đó ít lâu, tầu từ London cũng đã cập bến mang theo loạt tem đầu tiên in tại chính quốc. Những con tem này cũng thiết kế rất giản đơn. Dòng chữ La tinh “DAMUS PATIMUS QUE VICISSIM” được đặt ngay ngắn ở phía trên và phía dưới con số giá mặt. Đây là một khẩu hiệu dành cho các thuộc địa có nghĩa là “Chúng ta cho đi và chờ mong sự đáp lại”. Nhưng khốn nỗi công nhân in đâu được học hành nhiều, “chữ tác đánh chữ tộ” nên từ thứ hai trong câu là “PETIMUS” không hiểu sao lại bị in nhầm là “PATIMUS ”. Các con tem này đến nay cũng rất hiếm, còn các loạt sau được chỉnh cho đúng thì giá trị lại ... kém hơn nhiều!
Ngày đó, các chuyến đi dài ngày vượt qua đại dương còn đầy bất trắc và rủi ro nên nhiều lúc số lượng tem gửi sang không đủ dùng. Năm 1852, Bưu điện Guyana lại cho in tiếp những con tem đơn giản theo mẫu của chính quốc nên giới chơi tem không ngạc nhiên khi thấy đâu đó trên mạng Internet có tới 4 con “Guyana 1 xu mầu đỏ” kích thước và sắc độ đỏ khác nhau.
Năm 1856, trong một lần tầu từ Anh sang bị đắm, ông Chủ sự Bưu điện Georgetown E.T.E. Dalton lại phải “diễn lại vở cũ”, đến nhà in “Joseph Baum và William Dallas” - nơi in Công báo và tờ báo chính thức của địa phương là tờ Royal Gazette (tin tức Hoàng gia) để nhờ giúp đỡ. Lần đó, ông cho in 3 loại: con 1 xu đỏ dùng cho việc phát hành báo địa phương và 2 con 4 xu (1 xanh, 1 đỏ) dùng cho bưu chính. Mặc dù đã đưa ra yêu cầu chi tiết nhưng không hiểu sao nhà in lại in thêm cả nhãn hiệu riêng của mình là hình một con tầu vào đó. Điều này làm ông Dalton không hài lòng và lệnh cho các “ông ký nhà dây thép” mỗi khi bưu điện bán tem ra phải ký tên lên đó để tránh làm giả.
Loạt tem vừa phát hành thì sau đó kho bị cháy. Người ta đồ rằng mới chỉ có một vài chiếc tem được gửi đi. Nhưng sự việc rồi qua đi, ít ai để ý tới và cũng chẳng buồn đưa vào catalogue...
7 năm sau, năm 1873 - một cậu học sinh 12 tuổi người gốc Ái Nhĩ Lan sống ở Demerara (nay là Georgetown, thủ đô Guyana) tên là Vernon Vaughan chợt bắt gặp được “cô bé lọ lem”. Chuyện xẩy ra thật tình cờ. Trong một lần dọn đồ đạc giúp bà, cậu thấy trong số thư cũ của người bác gửi về có một chiếc tem lạ mầu đỏ. Con tem xấu xí, nhem nhuốc, dấu và chữ ký phủ gần hết mặt tem. Nhưng rồi cậu vẫn gỡ nó ra và còn cẩn thận trang điểm lại bằng cách cắt đều bốn góc cho gọn gàng. Vì vậy chúng ta mới thấy con tem có hình bát giác như hiện nay. Dấu nhật ấn còn rõ “Demerara April 4, 1856”. Dù không có trong catalogue, nhưng khi thấy cậu bé mang đến bán thì một người sưu tập tên là N.R. McKinnon vẫn mua vì số tiền bỏ ra chẳng có gì đáng bận tâm: - 6 shillings! Sau hơn mười năm, năm 1877 - nhà buôn tem Thomas Ridpath đã dám mua con tem đó của ông ta với giá gấp 2400 lần là 120 bảng. Nhưng rồi cũng phải qua tay một vài nhà sưu tập nổi tiếng thì danh của nó mới thực sự nổi lên như cồn. Đầu thế kỷ 20, con tem rơi vào tay Bá tước Philippe von Ferrari - một nhà sưu tập tiền và tem nổi tiếng châu Âu với giá 150 bảng. Năm 1922 bộ sưu tập của Ferrari được mang ra đấu giá. Chất ngọc trong viên đá xù xì lúc này đã lộ ra. Triệu phú Mỹ Arthur Hind ở Utica NewYork mua nó với giá 35.000 USD.
Thế rồi khi ông chồng mất đi, bà quả phụ Hind năm 1939 đã không hề lưu luyến mà sang tay con tem cho một doanh nhân Úc. Trị giá con tem khi đó ước đoán mới khoảng 100.000 USD. Năm 1969 con tem lại được sang tay cho một chủ mới là Irwin Weinberg - một người chuyên kinh doanh tem hiếm ở Pensylvania (Mỹ). Con tem chỉ thực sự ra mắt công chúng là từ sau năm 1970. Lần đó, tại khách sạn Waldorf Astoria ở Manhattan (Mỹ) đã diễn ra một cuộc bán đấu giá về đêm hết sức sôi động và được truyền hình trực tiếp. Giá khởi đầu đưa ra là 100.000 USD. Nhưng khi mọi người còn chưa kịp định thần để theo dõi thì cuộc mua bán đã kết thúc với giá cuối cùng là 280.000 USD. Tất cả mọi việc chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 90 giây!. Người thắng cuộc là Weinberg. Ông ta đã say sưa mang chiến thắng của mình đi triển lãm khắp thế giới. Con tem để trong một chiếc cặp, còn chiếc cặp lại luôn... xích vào cổ tay ông Weinberg! Đi đâu ông cũng mang nó kè kè bên mình để mỗi khi rỗi rãi có thể mang ra nâng niu, ngắm nghía.
Mười năm sau, năm 1980, con tem lại một lần nữa đổi chủ và có thể đây là lần cuối. Người đại diện của Weinberg đã bán con tem này với giá 935.000 USD (kể cả bảo hiểm của người mua). Tên tuổi người mua lần này cũng được giữ kín. Sau này người ta mới biết đó là John E. du Pont, cháu đích tôn của E. I. Du Pont - người được coi như đã xây dựng nên cả một “đế quốc về công nghiệp hoá chất”.
Năm 1986, tại triển lãm tem thế giới Ameripex ‘86 ở Chicago (Mỹ), con tem đã được trưng bầy với một đội bảo vệ trang bị đến tận răng đứng canh 24/24. Năm 1996, Dupont can tội dùng súng bắn chết một đô vật Olympic là David Schultz. Mặc dù đã bỏ ra hơn 2 triệu đô la để chạy tội nhưng năm 1997 vẫn bị kết án từ 13 đến 30 năm tù. Bác sỹ tâm thần biện hộ cho ông ta bị bệnh nên được đặc cách giam trong bệnh viện để điều trị. Số phận “nàng lọ lem” tạm khép lại một thời gian.
Nhiều huyền thoại đã được dựng lên quanh con tem này. Có một chuyện ngay những năm 1920 mà sau này người chơi tem cứ nghe rồi truyền tụng nhau kể tiếp đến mức… y như thật. Đó là chuyện khi nghe thấy xuất hiện 1 con tem “Guyana 1 xu đỏ” thứ 2, người đang sở hữu con tem lúc đó là Arthur Hind lập tức phái người tới nặc danh mua rồi huỷ nó đi để con tem của ông ta vẫn là duy nhất. Thế nhưng câu chuyện này lại không hề có căn cứ.
Khoảng 10 năm trở lại đây, một lần nữa lại rộ lên chuyện tìm ra được con tem Guyana đỏ thứ hai. Một ca sỹ opera người Đức tên là Peter Winter đưa ra con tem này với nhiều tình tiết ly kỳ về nguồn gốc của nó. Sau nhiều năm kiểm định, năm 1999 đã có ý kiến cho rằng có thể đây đúng là một con tem “1 xu Đỏ thật”! Tuy nhiên, theo sự thẩm định của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Tem chơi Hoàng gia ở London mới đây thì đó vẫn chỉ là con tem 4 xu đỏ được sản xuất đồng thời với 1 xu đỏ và được tô sửa tinh vi mà thôi... Và những huyền thoại quanh nàng “lọ lem đỏ” vẫn chưa kết thúc.
nguồn: vietstamp.net