Nhiều người đến nhà bà Phùng Thị Phấn (84 tuổi) hay tò mò, hỏi thăm về những bộ tem trong khung. Bộ sưu tập tem ghi rõ tên nước xuất xứ, chủ đề và ký hiệu của những con tem. Tại nhà bà Phấn, không chỉ có những con tem Việt Nam, mà còn có tem đến từ Ba Lan, Hung-ga-ri, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Campuchia...
Bồi hồi nhớ lại, bà Phấn kể, lúc còn sống, trước khi nghỉ hưu, ông Thái Đức Nhàn (chồng bà Phấn) là giáo viên môn Anh văn, Trường THPT Tư Nghĩa 1. Không chỉ giỏi Anh văn, ông Nhàn còn rất giỏi tiếng Pháp.
Những con tem từng chứng kiến một thời sôi động của những lá thư tay. Ảnh: B.HÒA
Năm 1954, ông Thái Đức Nhàn bắt đầu say mê tìm hiểu ý nghĩa giá trị văn hóa, lịch sử của những con tem. Lúc đó, để có những con tem, ông Nhàn hay cưỡi xe đạp đến bưu điện, xin lại những con tem. Ông luôn cẩn thận và nhẹ tay để không làm hư từng cái răng cưa trên mép con tem.
“Vì thế, để có được bộ sưu tập tem tốn rất nhiều thời gian, nhưng vì ổng thích, nên tôi cũng thích theo ổng”, bà Phấn kể. Còn những con tem nước ngoài, ông Nhàn viết thư trao đổi, mua bán với bạn bè và thành viên Hội Tem khắp thế giới. Có nhiều con tem, ông đam mê và tâm huyết tới mức sưu tầm cho đủ cả bộ.
Những con tem không chỉ đơn giản dùng để dán lên bì thư, mà còn chứa đựng thông tin, giá trị lịch sử văn hóa của cả một thời kỳ về con người, đất nước. Nhiều con tem còn có giá trị kinh tế cao, nhưng ông Nhàn vẫn giữ lại. Khoảng đầu năm 2000, ông Nhàn sắp xếp, chọn lựa các bộ tem gồm cả “tem sống” và “tem chết” đóng thành khung... Tem sống nghĩa là tem chưa sử dụng. Còn tem chết là những con tem đã có đóng dấu bưu điện.
Theo những người sành chơi tem, những bộ tem chết còn nguyên đóng dấu nơi đến và nơi nhận, có giá trị rất lớn. Thế nhưng, chưa kịp gửi ra Hà Nội tham dự triển lãm của Hội Tem trong nước, thì ông Nhàn qua đời.
Ngoài bảy bộ khung tem treo trên tường, bà Phấn còn giữ lại nhiều bộ khung sưu tập tem khác. Tính tổng cộng bà còn lưu giữ hơn 1.500 con tem trong và ngoài nước. Dẫu màu thời gian đã nhuốm lên những con tem, nhưng bà Phấn luôn xem đó là kỷ vật vô giá của người chồng để lại. Bà gìn giữ chúng như tình yêu mình dành cho chồng hơn 65 năm qua.
Bảo Hòa/Báo Quảng Ngãi