Nghĩ về thú sưu tập tem

Chơi cho ra chơi vốn đã khó, chơi mà sinh lợi cho trí tuệ, mở mang tầm nhìn mà thành một nghề hẳn hoi thì lại càng khó, không đơn giản chút nào.

Chơi là một hoạt động giải trí và lấy đó làm thú vui, thú tiêu khiển, không có mục đích gì khác. Nhưng trong thế giới rộng mở này, chơi cũng là một nghề sinh lợi và mở rộng tầm nhìn nâng cao kiến thức. Với tôi, những ngày đầu chơi tem, tôi thấy mình giống như “một người giàu có”, vì biết được nhiều vùng miền đất nước, biết được những kỳ hoa dị thảo, chẳng hạn thấy con tem có in hình Chùa Một Cột, biết nơi đó là Hà Nội được nhiều triều đại định đô; thấy con tem in hình Chùa Thiên Mụ, biết đó là cố đô Huế; thấy con tem in hình mặt tiền Chợ Bến Thành, biết đó là Hòn ngọc Viễn Đông, nhìn chân dung Tổng thống Washington là biết vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, nhìn Kim Tự Tháp biết là biểu trưng của Ai Cập v.v… Dần dà, qua những con tem sưu tầm được hoặc trao đổi với bạn bè, tôi lại thấy mình như được mang đôi hài vạn dặm, chứ không còn như bài học thuộc lòng của thời tiểu học: Thời niên thiếu vốn giàu mơ lắm ước/ Tôi đã đi trong trí chuyến đi dài/ Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai/ Chân bé quá không mang hài vạn dặm… (thơ Trần Huiền Ân). Kiến thức nhờ đó cũng được nâng lên, được bạn bè coi trọng. Và việc bồi đắp tri thức không gì nhanh và tốt bằng học từ sách vở, từ những người chung quanh, trong đó có từ những con tem bưu chính.

tác giả Hàn Tấn Quang

Nghề chơi tem! Nghề này tuy không phải công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội, nhưng cũng cần phải chuyên, phải giỏi, phải thành thạo, bởi nó sinh lợi, thậm chí nếu gặp chút may mắn có thể giàu to, có thể trở thành triệu phú đô la, vì trong thực tế như chúng ta – những người chơi tem đều biết năm 1996, có con tem được nhà sưu tập mua với giá 4,5 triệu đô la Mỹ; hoặc một bộ sưu tập gồm 4 con tem của hãng hàng không Mỹ được một nhà sưu tập mua với giá 2,9 triệu đô la Mỹ trong một buổi đấu giá ở New York vào năm 2005, hay 4 con tem Mạc Thị Bưởi giá hôm nay đã hơn 13 triệu đồng… Do đó, trong lĩnh vực này, có thể mượn chữ dùng của Nguyễn Du là “nghề chơi”. Và một khi đã vào “nghề chơi” thì phải đáp ứng được yêu cầu như cụ Nguyễn Du từng viết: “Nghề chơi cũng lắm công phu…”

So với các “nghề chơi” khác, thì thú vui sưu tập tem thuộc lớp sinh sau đẻ muộn, nhất là ở Việt Nam ta, sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa một năm, thì Bưu chính của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á này mới bắt đầu phát hành bộ tem đầu tiên, đó là ngày quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Bây giờ, nhìn lại một số con tem thời kỳ đầu ấy, ta hiểu thêm phần nào những khó khăn của chính quyền công nông non trẻ. Và càng hiểu, chúng ta càng quý trọng những thành quả cách mạng, càng quý trọng cái giá của độc lập tự do. Ví dụ như ở con tem có giá bán 4 hào, dưới Quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa có ghi thêm “+ PHỤ THU CỨU QUỐC” thành con tem có trị giá 6 hào. Tương tự, con tem trị giá 6 hào “+ PHỤ THU CỨU QUỐC” thành con tem trị giá 9 hào. Mọi chuyện minh bạch, và được đồng bào ủng hộ, góp phần không nhỏ làm nên lịch sử chiến đấu và chiến thắng của dân tộc.

Trên thực tế, con tem trên bì thư đã theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp đến xứ sở này từ khi Đô đốc Bonard mở bưu cục ở Sài Gòn, ngày 13-3-1863, chứ không phải người Việt Nam mình sáng tạo ra con tem thư. Nhưng với người Việt Nam ngày ấy, việc gửi thư qua đường bưu điện thì không mấy ai biết. Theo những tài liệu đã được phổ biến rộng rãi, thì năm 1863, con tem thư đầu tiên được phát hành ở Đông Dương ghi giá tiền bằng đồng Franc từ 0,01 Franc đến 0,4 Franc, in hình chim phượng hoàng (l’aigle impérial) biểu hiệu của Hoàng đế Napoleon đệ tam. Năm 1882, các loại tem thư đã bắt đầu được in giá bằng đồng bạc Việt Nam song song với đồng Franc. Năm 1889, phát hành loại tem đặc biệt về Đông Dương. Từ năm 1920 đến năm 1927, liên tiếp nhiều loại tem mới được phát hành với giá từ 0,1 đồng đến 2 đồng như loại tem in hình Phụ nữ Nam kỳ (dân gian gọi là tem Cô Ba), Chùa Thiên Mụ, Vịnh Hạ Long, Đế Thiên Đế Thích, Tháp Luông… Nhưng đại đa số người dân Việt Nam cũng không hề biết những con tem này, thậm chí còn không biết tem là gì.

Nhiều địa phương ở Việt Nam từng bước đô thị hóa, tạo nên cảnh “Sông kia giờ đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” (thơ Trần Kế Xương), trường học được mở ra nhiều hơn, chữ quốc ngữ cũng từng bước trở thành thông dụng hơn; những nông dân Việt Nam cũng bắt người bước ra khỏi lũy tre làng đi theo tiếng gọi của tiến trình đô thị hóa… Từ những yếu tố ấy, nhu cầu “thư đi tin lại” là nhu cầu có thật, và người ta biết tới con tem bưu chính, vì gửi thư qua đường bưu điện đến nay vẫn là loại hình nhắn gửi thông tin an toàn, thuận lợi, được nhiều người sử dụng.

Trước kia, người ta gọi con tem là cái gì, tôi không biết. Nhưng khi tôi biết đọc, biết viết thì bà con, chòm xóm đã đến nhờ viết thư báo tin tức gia đình cho người thân đang làm ăn ở nơi xa. Và tôi nhớ, ngày ấy, một số người gọi con tem là “con cò”. Nghe vậy biết vậy, mà ngày đó tôi nghĩ cũng… không sai! Ở làng quê miền Trung của chúng tôi, không ai không biết tới cánh cò chao liệng trên không. Và dường như, trong các loài chim chao liệng trên bầu trời trong xanh lúc về chiều, chắc không có loài chim nào đẹp hơn loài cò. Cánh cò dài, trắng muốt, ung dung chao liệng, mang tin giúp con người là một hình ảnh đẹp.

Theo ngày tháng, con tem dán trên góc bì thư trở thành quen mắt và cũng như nhiều bạn học cùng thời, việc “thư đi tin lại” đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Và tôi bắt đầu lưu giữ những bức thư ấy, cũng như những lá thư khác của người thân. Việc lưu giữ những lá thư của những người thân quen là lưu giữ tình cảm chứ không phải lưu giữ vì con tem đẹp hay lạ, song đó là hành trang ban đầu cho việc sưu tập tem sau này của tôi. Khi lưu giữ những lá thư gửi tới cho mình, tôi chưa nghĩ đến việc sưu tập tem, và thật lòng mà nói chẳng biết sưu tập tem là gì, có ích lợi gì. Thậm chí, thời đi học, lớp trẻ chúng tôi, nhiều người thường thống nhất với nhau là khi dán tem vào bì thư thì quẹt thêm lớp keo (có sẵn ở các bưu cục) lên bề mặt con tem, để người nhận thư, đem con tem đã “chết” ấy ngâm vào nước cho con tem bong ra khỏi phong bì, và dùng tay vuốt nhẹ lên bề mặt con tem thì nhật ấn bưu cục đóng trên con tem cũng được bong ra, rồi chờ khô, dán lại trên phong bì của lá thư khác cho… đỡ tốn tiền.

Từ thú vui chơi tem đã thành một nhà sưu tập, hoặc chọn đó là một nghề như bao nghề khác – dẫu là nghề chơi – thì người chơi cũng phải biết trăn trở, phải biết đầu tư, phải có niềm say mê, chứ không phải muốn là được, không phải ném ra đống tiền là được. Nghề chơi không có trường lớp, nên phải tìm hiểu, phải học tập qua sách vở, qua những người cùng sở thích, hoặc vận dụng những hiểu biết của mình để đưa vào “nghề chơi” này. Chơi cho ra chơi vốn đã khó, chơi mà sinh lợi, mà thành một nghề hẳn hoi thì lại càng khó, không đơn giản chút nào. Một khi chơi tem đã đạt được như thế thì mới nghĩ đến “nghề chơi tem”, bởi lúc ấy người chơi tem mới tạm đủ tri thức để khỏi bị lừa, khỏi bị hớ, khỏi bị bỏ qua khi nhìn thấy, hay khi mua vào hoặc bán ra, hoặc trao đổi một con tem với ai đó. Thương trường là chiến trường cũng luôn đúng với “nghề chơi tem sinh lợi” này. Muốn có đủ kiến thức để bước vào “nghề chơi tem” cũng lắm lúc phải trả “học phí” không nhỏ.

Về sản xuất kinh doanh tem, một số nước đã kết hợp với những hội tem có uy tín cùng thiết kế cùng in một vài chủ đề để giúp các hội có kinh phí hoạt động phát triển, chúng ta nghiên cứu xem có thực hiện được không? Với trên 20 triệu người sưu tập tem chuyên nghiệp trên thế giới, chúng ta thử đầu tư in những con tem thật đặc biệt, đầy ấn tượng với nhiều mẫu mã và chất liệu khác nhau, nhiều hình thù mang tính dị dạng, khoa học, kỹ thuật cao, với số lượng in hợp lý…, đây là một khoản thu lợi nhuận thật lớn, nếu chúng ta biết quản lý khai thác kinh doanh và đồng thời đó là một vật phẩm văn hóa có sức hấp dẫn, cuốn hút và lan tỏa mạnh mẽ đối với đông đảo người sưu tập tem trong và ngoài nước.

Nói đến sưu tập tem, theo tôi, nó cũng giống như mọi sưu tập khác. Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ, trước mắt, chúng ta nên sưu tập theo chủ đề, chẳng hạn: “Việt Nam, đất nước, con người”. Nếu chủ đề này quá phong phú, chúng ta tách ra làm nhiều chủ đề riêng biệt, như: “Tem về hoa, trái Việt Nam”, “Tem về những danh thắng Việt Nam”, “Tem về những bức tranh nổi tiếng của những danh họa Việt Nam”… Với những con tem có xuất xứ từ nước ngoài, chúng ta cũng làm tương tự như thế. Chẳng hạn, hiện tôi có bộ sưu tập tem, theo tôi là khá thú vị, đó là bộ sưu tập tem “Dị hình và chất liệu”, tức là bộ sưu tập những con tem mạ vàng, mạ bạc, mạ đồng; tem in trên vải, trên gỗ… Theo ngày tháng, biết đâu bộ sưu tập này của tôi quá phong phú “đủ sức” để tách riêng ra những chủ đề, như: bộ sưu tập “Tem mạ vàng”, bộ sưu tập “Tem mạ bạc”, bộ sưu tập “Tem mạ đồng”, bộ sưu tập “Tem in trên vải”, bộ sưu tập “Tem in trên gỗ”… Để có những chủ đề như thế, với tôi hiện nay là… ước mơ và hy vọng!

Chỉ nghĩ tới những ước mơ và hy vọng về những bộ sưu tập như thế, tôi đã thấy vui. Người ta thường nói tuổi trên sáu mươi, sống được ngày nào là lãi ngày đó, và nhìn lại đời mình, tôi thấy đã có lãi nên tìm thêm được nguồn vui nào là thêm lãi ngày ấy.

Sưu tập không hạn chế tuổi tác, không hạn chế thành phần xuất thân, nhưng đòi hỏi phải có kiến thức, phải có một số điều kiện nhất định, nhưng trước hết là phải có lòng đam mê như kiểu “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”.

Hồi tháng 4 năm 2001, báo chí đưa tin Liên Hiệp Quốc chọn 6 bức tranh của 6 họa sĩ trên thế giới thiết kế Bộ tem Năm tình nguyện quốc tế 2001, trong đó có bức tranh của họa sĩ Thành Chương, người Việt Nam, đang sống và làm việc tại Hà Nội. Nghe vậy, với ai, tôi không biết chứ với tôi, người cứ lâng lâng những mấy ngày. Lâng lâng vì Việt Nam chúng ta không thiếu người tài. Lâng lâng vì bộ tem mang “dấu ấn lịch sử” này. Và tôi thấy “thèm” bộ tranh này như thời thơ ấu thèm miếng bánh, cái kẹo.

Tôi thường vận dụng một số nghề chơi khác vào lĩnh vực sưu tập tem. Với thú chơi tem, tôi nghĩ cũng không thể vượt qua bốn chữ: Hy, Kỳ, Cổ, Quái, nghĩa là phải tìm được những con tem mà số lượng hiện nay không còn nhiều, càng ít càng tốt (Hy); tìm những con tem lạ (Kỳ); tìm những con tem cũ, càng xưa càng tốt (Cổ); tìm những con tem có hình dạng quái dị, những con tem in lỗi (Quái). Bộ sưu tập tem nào có nhiều con tem như thế là bộ sưu tập tương đối có giá trị.

Những con tem cũ còn lưu giữ đến ngày nay, chúng ta hãy hình dung nó đã qua tay nhiều người song không ai vứt bỏ. Nó lưu lạc từ địa phương này qua địa phương khác, từ quốc gia này tới quốc gia khác, đó chính là cái tình của con người đối với nó. Cái tình ấy rất đáng trân trọng, quý hơn cả bạc vàng. Do vậy, những con tem như thế có giá cao ngất ngưỡng cũng chẳng có gì lạ. Người giữ nó cũng vì cái tình. Người mua nó cũng vì cái tình. Cứ nhìn nó, nghĩ về nó như thế là vui! Nhà thơ Tố Hữu có câu thơ mà tôi thấy nếu chúng ta vận dụng vào việc sưu tầm tem cũng rất thú vị: “Nhặt tí phân rơi, dọn từng ngọn lá/ Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ” (Bài ca xuân 1961).

Hàn Tấn Quang
Kỷ lục Châu Á về tem dị hình và chất liệu

nguồn: tuần báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh


See more news