Người họa sĩ có hơn 500 bức tranh ghép tem về Bác Hồ.

Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng trong suốt 35 năm làm nghệ thuật của mình, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn luôn dành tình cảm đặc biệt cho những tác phẩm về đề tài Bác. Đặc biệt, ông còn là một trong những họa sĩ đi đầu trong thể loại tranh ghép tem ở Việt Nam.

Làm mới từ những cái cũ          

Một ngày đầu tháng 5-2020, khi những cánh phượng đầu hè bắt đầu nở, chúng tôi đến thăm họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn tại nhà riêng gần ngôi chùa Quỳnh cổ kính. Căn phòng nhỏ trên tầng 3 vừa là nơi sáng tác nghệ thuật cũng là nơi ông nghỉ ngơi, thư giãn. Trong không gian nghệ thuật ấy, người họa sĩ đã chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện thú vị trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình.

Vì thích vẽ nên từ nhỏ ông đã có ước mơ theo đuổi hội họa. Sau này, khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (năm 1981), ông lại tiếp tục có cơ duyên tham gia vào nhóm họa sĩ vẽ tem bưu chính của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại đây, ông đã vẽ nhiều bộ tem về đề tài Bác Hồ, trong số 10 mẫu tem về Bác có 6 mẫu tem được duyệt phát hành chính thức. Với mỗi mẫu tem vẽ Bác Hồ, ông đều gửi gắm trong đó tình cảm, niềm kính yêu vô hạn với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, sau khi nghỉ hưu năm 2015, ông tiếp tục sáng tạo và cho ra đời nhiều bức tranh về đề tài Bác Hồ với chất liệu độc đáo từ chính những con tem bưu chính.


Tranh ghép tem “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn

Những con tem luôn được coi là những tác phẩm nghệ thuật với hàm lượng thông tin tri thức cao, thông điệp mạnh mẽ về đất nước, con người Việt Nam. Song nhận thấy, số lượng tem bị lỗi, tem không kịp phát hành còn dư thừa nhiều, nếu đem số tem đó hủy đi thì rất lãng phí. Vì vậy, bằng sự khéo léo, tinh tế và sáng tạo của mình, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã tận dụng những con tem cũ để tạo ra những bức tranh ghép tem độc đáo, đầy mới lạ.

Chia sẻ với chúng tôi, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn cho biết, tranh ghép tem là một loại hình nghệ thuật khó, đòi hỏi người họa sĩ phải cần cù và kiên nhẫn trong từng công đoạn. Trong đó, cắt ghép là công đoạn tốn thời gian nhất, độ cắt của con tem phụ thuộc vào kích cỡ của bức tranh, tranh càng nhỏ thì thì diện tích cắt càng bé đến từng milimet. Cái khó nữa là, ảnh tư liệu của Bác hầu hết là ảnh đen trắng, tuy nhiên khi chuyển thể sang tranh người họa sĩ phải thực sự tinh tế trong khâu phối màu, phải tùy thuộc vào tem đậm hay nhạt để điều chỉnh các màu xung quanh đậm, nhạt theo.

Ông cũng cho biết, bản thân những con tem được làm từ giấy nên màu mực không bền, dễ bị bạc theo thời gian nên các tác phẩm sau khi hoàn thành sẽ được phun lên một lớp Epoxi, tạo thành một lớp nhựa trong suốt giúp tranh bền màu và sáng đẹp hơn.

Gửi trọn tình yêu trong từng tác phẩm nghệ thuật

Tranh tem của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đa dạng với nhiều đề tài từ chân dung đến phong cảnh, tuy nhiên sáng tạo về Bác Hồ vẫn là đề tài được ông tâm đắc nhất. Trong giới hội họa Việt Nam đương đại, có người đã dành cả cuộc đời để thể hiện hình tượng Bác Hồ, nhưng ngay cả những người được coi là danh họa cũng phải thừa nhận sáng tác về Bác là một đề tài rất khó. Đặc biệt, khó thể hiện nhất là chi tiết đôi mắt và vầng trán của Bác, nếu làm không tốt sẽ không thể hiện trọn vẹn được phong thái, cốt cách giản dị, thanh cao của Người.


Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn là người tỉ mỉ trong từng chi tiết nghệ thuật

Vì vậy, để có được những bức tranh sống mãi với thời gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn không ngừng nghiên cứu các tài liệu về Bác, sưu tầm tranh, ảnh, báo chí. Mỗi ngày, trên căn gác nhỏ, người họa sĩ ấy vẫn miệt mài, dồn hết tâm huyết, tình cảm của mình vào trong từng bức tranh để đưa sản phẩm ấn tượng này đến với công chúng khắp mọi nơi. Tính đến nay, họa sĩ Lệnh Tuấn đã ghép tổng cộng hơn 500 bức tranh tem về đề tài Bác Hồ. Các bức tranh: “Hồ Chủ tịch quan sát trận địa”, “Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn Chủ tịch phủ”, “Bác Hồ đọc báo”, “Cờ đỏ búa liềm”, “Bác cùng chúng cháu hành quân”, “Chiến thắng Điện Biên”… khiến người xem phải rung động.

Tranh tem không phải là một tác phẩm hội họa thông thường mà là kết quả của quá trình tôi luyện, tiếp cận và hiểu được ngôn ngữ con tem. Một bức tranh tem được làm ra phải sử dụng đến hàng trăm thậm chí là vài nghìn con tem, chưa kể chỉ một sơ suất nhỏ cũng phải gỡ ra để làm lại. Cũng bởi vậy mà hiện không có nhiều người theo đuổi loại hình này.

Tuy nhiên, chính vì thế mà tranh ghép tem được nhiều người yêu thích, kể cả những người không làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Thông qua những bức tranh ghép tem, hình ảnh Bác Hồ cũng trở nên gần gũi hơn, sống lâu hơn trong trái tim mỗi người con Việt Nam và bạn bè quốc tế.


See more news