Sưu tập tem chuyên đề

Sưu tập tem chuyên đề là sưu tầm, sắp xếp, trưng bày tem và các ấn phẩm, sản phẩm tem chơi có liên quan đến đề tài cụ thể, mà không quan tâm đến nước phát hành tem. Khả năng về đề tài sưu tập theo chuyên đề là rất phong phú và người sưu tập có thể tự do lựa chọn đề tài mà mình thích.

Mặc dù sưu tập tem chuyên đề là sưu tập cơ bản nhất của tem chơi, song nó cũng được phân chia làm hai cách:

 
– Cách thứ nhất: là sưu tập theo chủ đề trực tiếp của mẫu tem ví dụ như theo hình ảnh trên con tem như: Chim, xe lửa, hoa, cá, tàu thuyền, …

– Cách thứ hai: khó hơn nhưng cũng thú vị hơn đó là thể hiện câu chuyện qua con tem: có thể về cuộc sống, sự nghiệp của vĩ nhân; giai đoạn lịch sử của quốc gia; sự hình thành và phát triển của đường sắt; quá trình tiến hoá của một loài; …

Một điều thú vị của sưu tập tem chuyên đề là sự phong phú về phạm vi thể hiện. Có thể nói nó chỉ hạn chế bởi trí tưởng tượng về chủ đề và quy mô của sưu tập.

Một số việc cần làm khi sưu tập tem chuyên đề:

1. Lựa chọn đề tài:

Đây là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất khi bắt tay vào sưu tập tem, nó quyết định đề tài, hình thức, nội dung tem cũng như các vật Bưu chính cần tìm kiếm, sưu tập; Là ý tưởng chủ đạo và xuyên suốt trong quá trình triển khai đề tài; Là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của bộ sưu tập.

Việc đầu tiên cần làm là lựa chọn đề tài mà bạn cảm thấy hứng thú. Có thể đề tại lựa chọn liên quan đến nghề nghiệp hoặc sở thích của mình.

Chọn đề tài liên quan đến nghề nghiệp của mình, khi đó bạn sẽ có lợi thế rất lớn vì sự hiểu biết về chuyên môn sẽ giúp bạn có được sự am hiểu tường tận về định hướng triển khai đề tài cũng như kế hoạch sưu tập tem, tư liệu liên quan. Thông thường ai cũng yêu thích nghề nghiệp của mình, do vậy sẽ có hứng thú nghiên cứu tìm hiểu cả trong lĩnh vực chuyên môn cũng như sưu tập tem. Trên thực tế, hai lĩnh vực này có tác dụng tích cực tương tác, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển và thành đạt.

Sở thích cũng là yếu tố quan trọng khi lựa chọn đề tài. Niềm say mê, hứng thú giúp bạn thêm quyết tâm theo đuổi vượt qua những khó khăn thử thách, để thực hiện việc sưu tập tem của mình.

Điều nên tránh là bắt chước đề tài của người khác, nghe theo bạn bè mà chọn đề tài hoặc vì hứng khởi bất thường hoặc các đề tài lạ (ít khả năng có tem cũng như ít có khả năng chuyên đề đó được phát hành tiếp). Vì nếu thiếu sự khích lệ về những bộ tem mới phát hành hoặc sẽ phát hành thì bộ sưu tập sẽ mau chóng bị đình trệ. Khi cảm thấy cạn kiệt về mọi khả năng tiếp tục đề tài, bạn sẽ thấy chán chường và mỗi lần hứng thú qua đi thì ý đồ sưu tập lại giảm sút, dẫn đến bỏ cuộc.

Khi Công nương Diana bị tử nạn, thế giới tem tràn ngập các bộ tem kỷ niệm sự kiện này, do hầu hết các nước đều phát hành. Nhiều nước đã kiếm lời to do bán được tem này cho người chơi tem. Khi sự kiện đi vào dĩ vãng không ai phát hành tem Diana nữa nên không có gì để tiếp tục nuôi dưỡng và khó phát triển đề tài này.

2. Định hướng tìm kiếm

Sau khi xác định được đề tài cần sưu tập, bước tiếp theo là tìm kiếm những con tem phù hợp.

Không nên vội vàng ở giai đoạn này, bạn hãy dành thời gian đọc lướt qua các danh mục kèm thông báo phát hành tem mới, tạp chí, báo về tem. Qua đó bạn lập một danh sách những bộ tem mình cần. Đây là công việc lâu dài nhưng rất thú vị vì nó cần, tuy nhiên danh sách này cần được cập nhật, điều chỉnh (vì tem mới phát hành và những bộ tem đã phát hành trước đây bạn mới phát hiện).

Điều cơ bản quyết định sự thành công của việc lập danh sách tem cần có là sự hiểu biết thấu đáo về đề tài.

Việc nghiên cứu, tìm tòi cho phép người sưu tập qua những con tem và các tư liệu tem chơi thể hiện đầy đủ chủ đề đã chọn. Bộ sưu tập tem chuyên đề đòi hỏi những kiến thức phong phú về tất cảc các sự vật, sự kiện, hiện tượng tự nhiên có liên quan tới chuyên đề.

Sự liên hoàn giữa các phần của bộ sưu tập và mối quan hệ tương hỗ của đề tài đối với lĩnh vực khác như lịch sử, xã hội, tự nhiên là hết sức cần thiết. Việc tìm tòi nghiên cứu giúp người sưu tầm phát hiện và đưa vào bộ sưu tập của mình những dữ kiện mà thoạt tiên người ta cho là không cần thiết. Ví dụ: trong trường hợp chủ đề là động, thực vật thì các tư liệu về môi trường sống sẽ là những yếu tố phụ rất bổ ích và không nên bỏ qua.

3. Giới hạn sưu tập

Độ lớn của bộ sưu tập tem chuyên đề cũng là một điểm cần lưu ý. Nhưng trong sưu tập tem chuyên đề, số lượng các mẫu tem và vật dụng Bưu chính chỉ cần đủ để cho phép trình bày chi tiết, rõ ràng và đầy đủ đề tài đã chọn. Do số lượng tem chuyên đề quá nhiều, đề tài phong phú nên ở sưu tập tem chuyên đề người sưu tập phải lựa chọn tem và các tư liệu một cách hợp lý, tránh lạm dụng.

Điều quan trọng là khái niệm đầy đủ trong sưu tập tem chuyên đề không đồng nghĩa với mức độ nhiều ít của tem và các vật dụng Bưu chính mà là sự cân đối hài hoà giữa các phần. Mặt khác, ngày nay một số cơ quan Bưu chính trên thế giới đã lạm dụng phát hành tem chuyên đề, do vậy, hãy giới hạn chuyên đề của mình càng chặt chẽ càng tốt. Muốn vậy, bạn phải có sự tuyển chọn, tránh đề cập quá sâu ở phần này và quá hời hợt ở phần khác.

Tóm lại, phải kết hợp chặt chẽ với việc triển khai đề tài với việc đảm bảo sự hài hoà trong xử lý các vật phẩm.

4. Sắp xếp các mẫu tem

Sau khi đã có kế hoạch tổng thể dàn dựng bộ sưu tập hạn hãy bắt tay ngay vào việc sắp xếp các trang tem theo trình tự mẫu vật kiếm được (mà chưa cần quan tâm đến mẫu vật đó ở vị trí nào trong bộ sưu tập). Giống như trong điện ảnh nhiều cảnh lớn riêng biệt được quay ngoài kế hoạch, sau đó được sắp xếp lại theo đúng trình tự kịch bản thì trong việc xây dựng bộ sưu tập tem cũng tương tự. Điều này giúp bạn luôn có được sự hưng phấn hăng say trong khi phải chạy đi chạy lại nơi này, nơi khác kiếm được mẫu vật mà mình thích, phải sắp xếp ngay.

Theo một số nhà chơi tem có kinh nghiệm, khi làm sưu tập tem theo cốt truyện, thường để sẵn (quy hoạch) các trang Album dành cho các bộ sưu tập tem có thể sẽ được phát hành liên quan đến nội dung đã chọn và trong khuôn khổ đã định của bộ sưu tập để cho phép bổ sung thêm các trang theo trình tự cốt truyện một khi có được các bộ tem phù hợp mà không phải thay đổi bố cục tổng thể.

5. Bố cục, sắp xếp bộ sưu tập

Việc sắp xếp mẫu vật trong sưu tập tem chuyên đề cũng không theo quy tắc nhất định nào mà phù thuộc vào từng đề tài cụ thể. Ví dụ như: sưu tập máy bay có thể theo trình tự phát triển từ tầu lượn tới máy bay siêu âm hiện đại. Trong khi đó đề tài động thực vật có thể sắp xếp theo chủng loại hoặc quá trình tiến hoá,… tất cả phụ thuộc vào nguồn tư liệu, ý đồ, tính cách và kiến thức của tác giả.

Nhìn chung, bố cục các bộ sưu tập đều có ba phần là mở đầu, triên khai và kết luận.

Phần mở đầu (còn lại là trang giới thiệu) nêu tên là bộ sưu tập, chủ đề và ý tưởng chính của bộ sưu tập, giới thiệu mục lục. Phần triển khai gồm nhiều chương mục nhỏ. Phần kết luận (trang cuối) khái quát những việc bạn đã thực hiện ở các phần trên, nêu nhận xét đánh giá bộ sưu tập trong tổng thể của đề tài.

Trong trường hợp bộ sưu tập nói về một cốt truyện, phần kết luận cần phải nêu ra một số nét chính về khả năng tiếp tục của cốt truyện sau khi bộ sưu tập kết thúc, giải thích tại sao bộ sưu tập lại dừng tại đó, đồng thời nêu ra danh mục các nguồn tư liệu tham khảo.

Phần triển khai là nội dung chính của bộ sưu tập. Tại đây giới thiệu các mẫu vật trưng bày và nội dung lý luận của người sưu tập tem. Do vậy cần lưu ý:

– Mỗi vật phẩm trưng bày phải liên quan mật thiết đến chủ đề và thể hiện thông tin về chuyên đề rõ nét nhất.

– Vật phẩm trưng bày phải thật (không được là đồ giả, hoặc bị cấm) còn nguyên vẹn, dấu phải rõ ràng, “Tròn vành, rõ nét; Đủ ngày, tháng, năm” và đè lên tem càng ít càng tốt, những mẫu vật hiếm lạ rất có giá trị (khái niệm hiếm lạ ở đây không nhất thiết đồng nghĩa với giá trị cao nêu trong các danh mục, điều quan trọng là mẫu vật đặc sắc, khái quát được đề tài cần thể hiện).

– Trong sưu tập tem chuyên đề có thể chỉ sử dụng một hoặc vài mẫu lẻ trong bộ tem nhiều mẫu, đặc biệt trong bộ tem có các mẫu thiết kế giống nhau nhưng màu sắc, mệnh giá từng mẫu tem khác nhau.

– Tem dị bản, tem mẫu (SPECIMEN), tem in thử và tem liền nhau quý hơn những tem đơn chiếc cùng loại. Thu thập loại tem này với mục đích nâng cao chất lượng bộ sưu tập, đồng thời tránh tình trạng đơn điệu (chỉ thuần tuý sử dụng những con tem đơn lẻ để thể hiện chủ đề đã chọn).

6. Tem chưa đóng (Tem sống) hay tem đã đóng dấu (tem chết)

Sưu tập tem chuyên đề chủ yếu liên quan đến hình ảnh trên tem, do đó cố gắn sưu tầm tem chưa đóng dấu (tem sống). Song, điều đó không có nghĩa là sưu tập tem chuyên đề không có tem đã đóng dấu (tem chết) mà tùy từng thời điểm và điều kiện mà xử lý hợp lý, đặc biệt là những con tem chết thể hiện các sở cứ về kiến thức chơi tem vẫn cần được khai thác sử dụng (lưu ý: những vật phẩm đã được gửi qua mạng bưu chính với mức cước phí tương ứng luôn được đánh giá cao, mặc khác, có rất nhiều laọi dấu hủy được thiết kế đặc biệt và rất đẹp,…thực sự là những tác phẩm nghệ thuật). Tuy nhiên, không nên để lẩn tem sống và tem chết trong cùng một trang vì nó làm cho giá trị chung của trang tem bị giảm.

Các loại vật dụng bưu chính, phong bì,…có thể được khai thác sử dụng trong bộ sưu tập chuyên đề với mục đích làm tăng sự sinh động.

7. Cách trình bày trang tem

Công đoạn này nhằm đưa các mẫu vật đã sưu tập được lên các trang tem. Bạn có thể hiểu nôm na rằng: Nếu coi bộ sưu tập tem như một công trình kiến trúc thì việc trình bày các trang tem có thể coi là công đoạn xây dựng mà ở đó tem và các vật phẩm bưu chính là vật liệu xây dựng.

Theo quy định triển lãm tem thì tất cả mọi vật phẩm sưu tập phải cài lên trang tem tiêu chuẩn cỡ 23×29 (cm).

Người sưu tập cũng có thể tự làm lấy trang tem bằng giấy dày, trắng hoặc hơi vàng (màu kem, màu trắng ngà), giấy vẽ cờ ro ki hoặc giấy vẽ kỹ thuật cắt theo kích thước quy định, sau đó kẻ một đường viền khung bằng mực đen hoặc nâu (hoặc giống như màu của dòng chữ chú thích trên trang trưng bày), có độ dày đều (chừng 0.5 mm) để lề của 4 phía bằng nhau (cách đều 1.5 cm). Không nên dùng giấy tối màu hoặc màu sặc sỡ vì sẽ làm mỏi mắt và làm phân tán nội dung chính cũng như không nên dùng các yếu tố trang trí khác làm cho đường viền không thêm rườm rà. Vì đề tài trưng bày biểu hiện bằng các tư liệu tem chứ không phải bằng cách thức trình bày.

Cần chuẩn bị bao nhiêu trang tem cho một lần trưng bày thì phải có dự kiến sơ bộ. Song cũng nên nhớ rằnd trong quá trình làm thường có sai, có hỏng phải làm lại một số trang, cho nên khi chuẩn bị số trang để xây dựng bộ sưu tập triển lãm cần phải có ít nhất là gấp đôi số lượng cần dùng cùng chất lượng giấy, màu mực và khung in sẵn.

Ngoài ra, còn cần phải dự trữ số trang cùng chủng loại trong những trường hợp sau: triển lãm dự định chuẩn bị cho 5 khung, mỗi khung 12 trang, nhưng rồi lại được đề nghị dự triển lãm khác mà số khung tối thiểu cho mỗi người trưng bày vẫn là 5, nhưng mỗi khung lại là 16 trang.

Loại khung 16 trang tem là tiêu chuẩn của triển lãm tem quốc tế. Cho nên, đối với những người sưu tập tem có ý định tham dự vào các cuộc triển lãm, trưng bày cấp cao, thì nên chuẩn bị bộ trưng bày gồm 80 trang. Khi cần thiết coa thể thay đổi để chuyển bộ sưu tập thành 60, 64 hoặc 72 trang.

Một cách làm cho bộ sưu tập khỏi đơn điệu là thay đổi cách trình bày của từng trang tem (mà vẫn giữ nguyên bố cục tổng thể của bộ sưu tập).

Trước khi thể hiện chính thức bộ sưu tập bạn hãy thử nghiệm vài cách trình bày khác nhau, như nội dung chú giải, kiểu chữ, khích thước chữ, bố cục chuẩn loại, mẫu vật…

Một bộ sưu tập ngoài tem phải có từ 30 -50 % là bì thư thực gửi, blốc, FDC, bưu thiếp, Card maxcimum (để làm cho bộ sưu tập thêm sinh động và tăng thêm tính chất bưu chính, do vậy nếu thiếu các mẫu vật đó thì bộ sưu tập không thể đạt điểm cao). Hiện nay, người ta rất chú ý đến phong bì thực gửi vì nó chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử Bưu chính và đồng thời cũng là xu thế sưu tập, triển lãm của thế giới.

Khi sắp xếp dàn trang, bạn phải để ra một khoảng trống nhất định từ các mẫu vật tới đường viền khung (25-30 mm về phía trên và 15-20mm về ba phía còn lại).

Một nguyên tắc trong trình bày trang tem là vật phẩm và tem phải bố trí theo phương nằm ngang, những con tem, mẫu vật có liên quan đến một vấn đề chung thì phải nằm trên cùng một đường thẳng và có khoảng cách hợp lý. Để có được sự cảm nhận tốt hơn, bạn nên trưng bày ở phần nữa trên của trang tem có mật độ dày hơn, đầy hơn. Khi sử dụng tem có hình dạng khác thường (hình thoi, hình tam giác …) hoặc có kích thước lớn hơn (tem khối, blốc) thông thường được bố trí trên trục đối xứng.

Sự cân đối hài hòa là yếu tố quan trọng, bạn hãy xếp những mẫu vật có “trọng lượng” ở phía dưới trang tem. Ví dụ như phong bì, bưu thiếp và tem trên cùng một trang thì phong bì, bưu thiếp nên xếp dưới tem.

Mỗi một trang tem không nên trưng bày quá nhiều tem để tránh cảm giác chật chội, cũng không nên quá ít tem, mẫu vật gây cảm giác nghèo nàn, sơ sài về nội dung. Muốn tránh chật chội, nguyên tắc là vật phẩm cùng một loại (tem, vật dụng bưu chính hoặc dấu,…) chỉ trưng bày một thứ là đủ, trừ trường hợp đặc biệt như:

– Để tạo nên bố cục đối xứng.

– Để cân đối chữ nghĩa trong phần thuyết minh.

– Có ý nghĩa chuyên đề đặc biệt.

Do vậy, để minh họa cho các luận điểm khác nhau của chuyên đề nên dùng các hình thức khác nhau của mẫu tem (như tem khối, tem dị bản, phong bì thực gửi, bưu thiếp, Card Maximum …) để tránh trùng lặp.

Mặt khác, trong trường hợp trên cùng một trang phải giới thiệu nhiều mẫu vật có kích thước lớn (phong bì, bưu giản, tem khối, bưu thiếp, …) cùng với tem, để tiết kiệm diện tích cũng như để đạt hiệu quả thẩm mỹ, bạn có thể trổ thủng trang giấy để che bớt diện tích không cần trưng bày của mẫu vật ra phía sau (kỹ thuật này còn có tên là “tạo cửa sổ”).

Cố gắng giữ tỷ lệ hợp lý giữa thuyết minh và mẫu vật. Nếu nhiều chữ quá, mẫu vật sẽ bị chìm đi và ngược lại thì người xem không rõ ý tưởng trưng bày của mẫu vật. Lý tưởng nhất là các mẫu vật tự nói lên ý đồ của người sưu tập, phần thuyết minh chỉ có tác dụng minh họa thêm những điều chưa rõ. Nhìn chung, trên một trang tem diện tích trưng bày tem và các vật phẩm chiếm 60 – 70%, phần dành cho lời chú giải và tiêu đề không nên chiếm quá 10%, còn lại là diện tích trống (khoảng trắng) giữa các mẫu vật. Ví dụ như bạn chú thích đây là cái thuyền, ở dưới con tem vẽ cái thuyền thì quả là thừa và thậm chí còn gây cho người xem cảm giác bị xúc phạm. Tuy nhiên những thông tin chưa rõ như chủng loại tàu, sự kiện lịch sử liên quan hoặc lý do bạn đưa con tem đó ra thì rất tốt, tuy nhiên lưu ý phải ngắn gọn. Và bạn sẽ thấy điều khó khăn không phải là đưa vào thuyết minh những gì mà là bỏ bớt những gì ra khỏi lời thuyết minh. Nên tránh những câu dài dòng, nếu như không rút ngắn được đoạn văn viết dở thì nên viết lại.

Lưu ý: Việc thuyết minh sâu, có tính chất nghiên cứu đối với một vật phẩm trưng bày chỉ cần thiết khi nó mang tính đặc trưng, độc đáo của bưu phẩm chưa được mọi người biết đến (căn cứ trình độ trung bình về kiến thức sưu tập tem của mọi người) hoặc buộc phải thể hiện kiến thức nghiên cứu chuyên sâu.

Để đảm bảo tính hài hòa, cân đối chung, mục đích việc nghiên cứu này không phải là dàn trải, mà phải tập trung thể hiện được đặc điểm quan trọng nhất của bộ sưu tập.

Sau khi có thuyết minh, hãy sắp xếp các vị trí có thể trên trang tem theo các phương án khác nhau. Ở phần này bạn cần lưu ý khái niệm “khoảng trắng”, đó là khoảng trống thừa ra sau khi bạn đã cố định tem và phần chữ.

Sự cân đối hài hòa giữa ba yếu tố hình ảnh, chữ viết, khoảng trắng sẽ đem lại sự hấp dẫn, đẹp mắt của trang tem.

8. Thể hiện nội dung chú giải, thuyết minh

Phần nội dung chữ viết được thể hiện bằng máy chữ, vi tính hoặc viết tay không phải là vấn đề quan trọng miễn là phải cẩn thận đẹp mắt.

Chữ viết tay thường thể hiện được bản sắc của người sưu tập và cũng không khó như ta thường nghĩ vì chữ viết sạch chủ yếu là do tính cẩn thận, chỉ có 1% là tài năng. Nhưng bạn đừng thử nếu như bạn thiếu kiên nhẫn, nếu không sẽ phí thời gian.

Nếu định viết bằng tay, bạn hãy dùng bút chì mờ để viết thử trước (còn gọi là căn dáp) điều chỉnh co giãn các chữ đảm bảo thẳng hàng đều đặn, tránh phải thay đổi khoảng cách và co chữ (thường vào dãy cuối hoặc cuối dòng). Lưu ý khả năng tìm từ đồng nghĩa với chữ cần viết (ngắn hơn hoặc dài hơn), thậm chí có thể lựa chọn thay đổi cả câu để có được bố cục hợp lý trang tem trưng bày.

Sau khi đã viết phác bằng bút chì bạn viết lại bằng bút mực màu đen (loại không bị nhòe trong nước). Bút bi và bút ta dùng không tốt vì dễ dây bẩn, mực có thể ngấm nhiều xuống giấy, lâu ngỳ làm hỏng trang tem. Trong mọi trường hợp bạn nên thử bút, mực có hợp không và nhớ rằng khả năng tẩy xóa phải thực hiện được.

Đầu đề, lời giới thiệu và mục lục phản ánh khái quát bề rộng và độ sâu của đề tài, tri thức và trình độ am hiểu của tác giả. Do vậy, ở trang 1, đầu đề nên dùng cỡ chữ to để nhấn mạnh, lời giới thiệu cỡ chữ vừa phải, dễ đọc và có thể trình bày vài bưu phẩm quí hiếm (thuộc đề tài) để thu hút người xem. Trang 2 là mục lục trình tự các đề mục và số trang, giới thiệu quy mô bộ sưu tập (cỡ chữ vừa phải). Đối với những chuyên đề có nội dung ngắn gọn, có thể bố trí đầu đề, lời giới thiệu và mục lục trong 1 trang.

Các trang tiếp theo có đề mục ở đầu trang, chữ lớn bằng đề mục ở mục lục, chữ thuyết minh thì nhỏ hơn chữ đề mục, cố gắng ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, khong nhắc lại (hãy để bưu phẩm tự nói), lời thuyết minh không quá ¼ trang và chỉ dùng một loại mực đen hoặc lam.

* Tóm lại

Khi đã chọn chuyên đề để sưu tập thì việc phải làm là sắp xếp một cách khoa học, theo ngành nghề, theo chuyên môn, đòi hỏi một kiến thức tổng hợp. Nếu chỉ tăng số mẫu, số bộ mà bỏ quia kiến thức về chuyên đề thì sẽ không đạt kết quả cao. Có thể nói, sưu tập tem nói chung và sưu tập tem chuyên đề nói riêng là một sự học hỏi không ngừng.

Cơ cấu chấm điểm bộ sưu tập chuyên đề dự thi tại các triển lãm do FIP quy định:

– Sắp xếp: 35

– Hiểu biết, tìm tòi + Nghiên cứu cá nhân 30 (15+15)

– Trạng thái + Mức độ quý hiếm 30 (10+20)

– Trình bày 5

Tổng cộng 100

* Cơ cấu gải thưởng và cách tính điểm cho bộ sưu tập chuyên đề dự thi tại các triển lãm do FIP quy định:

– Giải vàng lớn 95 điểm

– Giải vàng 90 điểm

– Giải bạc mạ vàng lớn 85 điểm

– Giải bạc mạ vàng 80 điểm

– Giải bạc lớn 75 điểm

– Giải bạc 70 điểm

– Giải đồng mạ bạc 65 điểm

– Giải đồng 60 điểm

* Ví dụ minh họa đề cương bộ sưu tập tem chuyên đề:

(A) Bộ sưu tập tem: “Quái vật của màn đêm”

1. Lịch sử phát triển tự nhiên của loài dơi

1.1. Sự tiến hóa: từ các hóa thạch được phát hiện cho tới các loài dơi hiện nay.

1.2. Các đặc điểm

– Môi sinh: Hang động, cây cối, vách đá, tại các kết cấu nhà cửa, vòm cầu, tháp chuông.

– Trọng lượng từ 14,18g đến 1,70kg

– Đấu tranh và di cư.

– Dơi chuyển và săn bắn.

– Cánh dơi: độ linh hoạt và tác dụng, sải cánh.

– Bảo vệ, chăm sóc dơi.

– Cấu trúc: mắt, mũi, tai, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

2. Các chủng loại dơi

2.1. Phân loại

2.2. Tiêu bản và đặc điểm riêng của họ Dơi (21 loại).

3. Dơi trong bóng tối của màn đêm

3.1. Truyền thuyết và thần thoại:

– Biểu tượng của sự may mắn.

– Dơi trong đời sống tâm linh của người Trung Quốc, thổ dân da đỏ, người Maya, Mapilo.

– Dơi trong lễ hội hóa trang và Halloween.

3.2. Văn học nghệ thuật

– Dơi trong các tác phẩm văn học của Shakespeare, Jule Verne.

– Dơi trong các tác phẩm opera và trong hội họa.

4. Dơi trên các biểu tượng

4.1. Biểu tượng và các mác thương mại

4.2. Các thành phố có tên gọi liên quan đến dơi.

4.3. Ngành hang động học, hội nghị, hội thảo, các tổ chức có chương trình nghị sự đề cập đến dơi.

4.4. Dơi trên các binh khí:

– Hình ảnh dơi trên áo giáp, vũ khí.

5. Dơi và con người

5.1. Những nhà khoa học nghiên cứu về con dơi, các giá trị về mặt khoa học.

5.2. việc áp dụng đặc điểm của dơi trong các công trình phát minh, nghiên cứu: rađa, máy bay, đèn, …

5.3. Phát minh và ứng dụng của thuốc súng.

6. Bảo vệ loài dơi

6.1. Hiểm họa từ các loài thú ăn thịt và con người.

6.2. Các hoạt động bảo vệ loài dơi đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

——————————

(B) Sưu tập chuyên đề : “Hoa hồng”

1. Lịch sử và tiến hóa

– Truyền thuyết và thần thoại

– Thời La mã cổ

– Thời phục hưng tới nay

2. Cấu tạo và trồng trọt

– Cấu tạo: hoa, nhụy, cánh, lá

– Các loại hoa hồng

– Cách thức trồng trọt và chăm sóc hoa hồng

– Các thiên địch của hoa hồng

– Những người bạn của hoa hồng: các tổ chức nghiên cứu, hội chơi hoa hồng.

– Lễ hội hoa hồng.

– Hội nghị về hoa hồng

– Xuất nhập khẩu hoa hồng, các cuộc thi hoa hồng, trưng bày, triển lãm hoa hồng.

3. Hoa hồng trong đời sống con người

– Thực phẩm

– Dược phẩm

– Mỹ phẩm

– Hoa hồng – một loài hoa đẹp

– Tuyên truyền quảng cáo;

+ Du lịch

+ Thương mại

+ Biệt danh các địa phương

4. Các giá trị tinh thần của hoa hồng

4.1. Tôn giáo: Thiên chúa giáo, Tin lành, …

4.2. Biểu tượng của cuộc sống và nhân đạo

4.3. Biểu tượng của sự hy sinh và lòng dũng cảm

4.4. Biểu tượng của tình yêu,. tình bạn, sự trong sạch

4.5. Biểu tượng của sắc đẹp, sự ngây thơ

4.6. Biểu tượng của tình đoàn kết, thân ái

4.7. Hoa hồng là nghệ thuật và văn hóa dân gian.

Nguồn: Tổng hợp


See more news