Tản mạn con tem

Chơi tem lúc đầu thường do hứng thú. Nhưng việc sưu tập, mua bán tem cũ đã trở thành một nghề kinh doanh trên thị trường thế giới hàng trăm năm qua. Chơi tem không ồn ào nhưng bên trong chứa đựng sức sống hết sức dữ dội. Người ta có thể đầu tư hàng triệu USD cho những bộ sưu tập tem quý hiếm. Ai từng gia nhập làng tem, chơi tem thì xem như đã chấp nhận dấn thân vào một cuộc chơi thầm lặng, nhẫn nại nhưng rất hấp dẫn, lôi cuốn đến mức không dứt ra được...

Sôi động thị trường  

Giới sưu tập, kinh doanh tem bưu chính trên thị trường quốc tế đều có quan điểm chung về giá trị con tem, thời gian và số lượng bộ tem. Nói cách khác, không có con tem thứ hai nào cùng tồn tại và đó phải là con tem, bộ tem bưu chính “độc nhất vô nhị”. Ở nước ta hiện đang có những bộ tem, con tem bưu chính được coi đắt giá như tem danh nhân Mạc Thị Bưởi, tem Binh sĩ lá mạ, tem Lực sĩ cử tạ... Giá của những con tem này có lúc lên đến vài ba triệu đồng/con. Vào thời kỳ những năm 1930, do hoàn cảnh liên lạc khó khăn, ngành bưu điện nước ta phát hành tem dành riêng cho từng địa phương. Những con tem này ngày nay có giá trị sưu tập rất cao vì khó kiếm.

Những con tem hiếm

Có nhà sưu tập tem ở Sài Gòn khi nghe tin cựu chiến binh nào có giữ một vài con tem liên khu 5 liền bay đi miền Trung để mua cho được. Khi ấy giá một con tem liên khu 5 bán khoảng 100USD, còn giá trong Catalogue Micheal của CHLB Đức lên cả ngàn USD/con. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai đưa ra hình ảnh con tem thật ở thời đó ra sao cả, vì thế người ta đã làm tem giả để lừa bán. Những năm gần đây với kỹ thuật in ấn cao, tem dị bản (tem giả) xuất hiện khá nhiều trên thị trường Việt Nam và thế giới. Vì thế người sưu tập có kinh nghiệm rất cảnh giác khi mua tem và thường quan sát rất kỹ bằng kính lúp, kính phóng đại để xác định tem thật - giả.

Những nhà sưu tập tem có kinh nghiệm cho rằng, hiện nay, người chơi tem phải cảnh giác với những bộ tem không có răng cưa như bộ Mừng Chính phủ về thủ đô; bộ chủ đề về cải cách ruộng đất… vì cách đây khoảng 15-16 năm đã xuất hiện một số tem không răng cưa được chào bán với giá khá cao, khoảng 300USD/con. Nhưng tất cả đều là tem giả được in bằng máy in màu. Không chỉ những con tem hiếm mới có tem giả mà khá nhiều tem thường cũng bị làm giả.

Trước xu hướng sưu tập tem phát triển mạnh, dân chơi còn sưu tập cả những bộ phác thảo tem. Đây là bản vẽ về một con tem nào đó của các họa sĩ. Bản nào được duyệt thì có chữ ký và con dấu của Tổng cục Bưu điện. Bản không được duyệt thì họa sĩ giữ lại. Các bản vẽ này rất ít nên giá khá cao. Nhìn chung, tem thư ở nước ta được sưu tập từ thời kỳ 1945 - 1973 vì đây là giai đoạn cả nước đang có chiến tranh nên người dân không có điều kiện sưu tập, lưu giữ. Nhiều chủ đề tem trong thời kỳ này bị “mất tích” kể cả trong và ngoài nước. Và đây cũng chính là cơ hội tốt, kích thích các nhà sưu tập tem săn lùng, tìm kiếm để khôi phục.

Tem thư sưu tập trên thị trường thế giới rất phong phú và đa dạng. Con tem đảo Guyane thuộc Vương quốc Anh mô tả hình hòn đảo màu đỏ, được phát hành vào tháng 4-1856. Đến nay, chủ đề tem này chỉ còn con duy nhất, được giới kinh doanh Anh quốc “hét” với giá 850.000USD và một người Anh đã mua nó để đưa vào bộ sưu tập quý giá của mình. Một con tem khác của Pháp được phát hành từ cuối thế kỷ 19, lần đấu giá ngày 3-1-1993 tại Thụy Sĩ đã được bán với giá 23 triệu francs Pháp (khoảng 5 triệu USD Mỹ)...

Những bộ sưu tập tem ở châu Á có giá trị, như dòng tem nghệ thuật sân khấu của Trung Quốc phát hành năm 1962. Lúc đầu chỉ có giá khoảng 3 nhân dân tệ, đến nay đã lên hơn 11.000 nhân dân tệ - tương đương khoảng 16 triệu đồng Việt Nam. Bộ tem khác, in hình Mao Trạch Đông gồm 8 chiếc được phát hành vào năm 1967, lúc dầu giá chỉ 0,62 nhân dân tệ, đến nay đã lên tới 3.000 nhân dân tệ. Tương tự, bộ sưu tập tem thư về Tưởng Giới Thạch gồm 15 chiếc, phát hành vào năm 1953 tại Đài Loan, hiện nay giá khoảng 15 - 20 triệu đồng/tem... Những người sưu tập tem nói rằng: Chọn được chủ đề của tem thư và hiểu rõ nghệ thuật diễn đạt tư tưởng của nó là việc cực kỳ khó khăn đối với người chơi nói chung và người mới bước vào nghề chơi nói riêng.

Những món hàng độc 

Ở nước ta có những con tem không in giá tiền mà in bằng số thóc (gạo), phát hành từ những năm 1952-1954, được giới sưu tập săn lùng. Theo một số người chơi tem trong nước thì chúng thuộc loại quý hiếm có một không hai trên thế giới, gồm mẫu tem Chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh in năm 1952 với giá đề trên mặt tem là 0,100kg thóc, Người cấy mạ in năm 1953 với 4 mẫu, 4 màu, 4 loại giá: màu đỏ 0,600kg thóc, màu nâu 1kg, màu cam 2kg và màu xanh 5kg thóc... Theo ông Đoàn Quang Vinh - một cán bộ ngành bưu điện thời kháng chiến chống Pháp, sở dĩ giá trị được tính theo đơn vị thóc vì giá gạo thời ấy thường xuyên biến động, thay đổi theo từng địa phương, nên Nhà nước “lấy trọng lượng thóc trên tem làm giá trị định mức trong cả nước và bảo đảm sự ổn định về doanh thu”, nghĩa là đem bán tem nơi nào thì căn cứ theo giá thóc nơi ấy để quy ra tiền mặt. Dòng tem này phát hành đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ với mẫu Trên nóc hầm Đờcát in tháng 10-1954 màu nâu cam, giá 0,600kg thóc.

Ở Việt Nam, người có bộ sưu tập về những con tem chất liệu đặc biệt, không phải bằng chất liệu giấy, đã phát hành trên thế giới là ông Lê Văn Đông ở TP Nha Trang. Hoặc ở Nga có loại tem in bằng... đất, đó là con tem mới phát hành tháng 12-2002. Một người Nga đã lấy đất tại một quảng trường đem về cán mỏng để in hình nền sân tennis lên tem; kỷ niệm giải vô địch tennis quốc tế.

Nhiều con tem lạ tương tự hiện thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Hoàng Tùng (TPHCM). Tem của ông Tùng gồm các loại in mộc bản, in tay, đến loại in bằng kỹ thuật siêu hiện đại, phun màu với hạt mực siêu nhỏ. Có một con tem xuất xứ ở Áo nhiều màu, trên mặt có 12 hạt pha lê lấp lánh. Giám đốc ngành bưu chính của Áo nói rằng các hạt pha lê trên con tem này một khi dính chặt lên bì thư sẽ không bị tróc ra trong suốt hành trình gửi và nhận.

Hoàng đế Bảo Đại cũng dự định phát hành bộ sưu tập tem về đề tài “Rùa” nhưng chưa kịp thì bị phế truất. Tổng thống Ngô Đình Diệm (chính quyền Sài Gòn cũ) sau này đã cho lưu hành bản tem này nhưng với phiên bản lớn hơn so với thiết kế ban đầu. Gần đây, nhân ngày lễ tình nhân 14-2, ở Thái Lan phát hành loại tem đặc biệt in trên giấy trộn len hình hoa hồng đỏ, nổi trên nền trắng, lá xanh. Con tem này phảng phất mùi thơm của hoa hồng. Còn ở Liên bang Nga, những người yêu nhau đã gửi những lá thư có dán tem thơm mùi các loại hoa. Ngành bưu chính Nga có lúc tung ra thị trường 5 loại tem có 5 mùi trái cây: táo, lê, thơm, dưa và dâu tây với số lượng lên tới hơn 60.000 con. Theo các nhà chuyên môn, bí quyết giữ mùi thơm dai dẳng, lâu bền cho tem là áp dụng kỹ thuật phết một lớp keo có pha hương liệu hoa lài, hoa huệ hoặc các loại quả như nho, cam vào mặt sau con tem. Ở châu Mỹ, người ta tẩm mùi vị của than củi vào con tem bưu chính để vận động người dân bảo vệ rừng và môi trường sống.

Chơi tem thời kỹ thuật số

Chơi tem là thú chơi tao nhã, bổ ích. Đúc kết này đã được chứng minh với bề dày thời gian ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Nhưng khi đã vào cuộc chơi thì lại không thể tránh khỏi bị thương mại hóa… Ở TPHCM hiện có nhiều câu lạc bộ sưu tập tem với cả ngàn hội viên chính thức và nhiều người sưu tập âm thầm khác. Đã chơi tem thì phải mua bán, trao đổi tem. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số hiện đại ngày nay, người chơi tem cũng gặp khá nhiều bất trắc. Một người sưu tập, buôn bán tem nổi tiếng cho biết: “So với giới sưu tập thế giới, người sưu tập tem nước ta rất khó khăn vì không có nơi bảo đảm để mua bán trao đổi tem, nhất là do chưa có thị trường tem nhập ngoại. TPHCM có “chợ tem” ở Bảo tàng Mỹ thuật và một địa điểm trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3. Nhiều người trong nước và nước ngoài thường đến đây trao đổi thông tin về thị trường tem. Theo một số người, công việc sưu tập tem là cách để tích lũy kiến thức cho cá nhân. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có thể tìm thấy ở con tem một cái gì đó liên quan đến nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, qua sưu tập tem cũng tìm thấy bài học lịch sử từ những con tem. Muốn chơi tem hay phải thường xuyên tham khảo, cập nhật kiến thức từ sách báo, tài liệu liên quan về tem thư bưu chính, đây cũng là cách tự trau dồi kiến thức để có thể “đọc” thấy quá khứ và lịch sử thế giới trên những chiếc tem thư.

Theo những người sành chơi, tem có giá trị là những chiếc còn nguyên hình, không gấp nếp, không bị mất răng cưa, không bị bôi bẩn. Ngoài ra tem đã dán lên phong bì, có dấu bưu điện nơi gửi, nơi đến thì càng tăng thêm giá trị trên thương trường.

Chơi tem trước hết phải hội đủ những đức tính như: tận tụy, chịu khó, say mê học hỏi, tích lũy kiến thức, am hiểu về lịch sử thế giới, về nghệ thuật và một số nền văn hóa đặc trưng trong lịch sử của nhân loại. Nếu bạn muốn là người chơi tem giỏi, trước hết không nên đặt vấn đề trục lợi thông qua hoạt động buôn bán, sưu tập.

NGUYỄN TẤN TUẤN (Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định) – SGO


See more news