Tem bưu chính, cũng còn gọi là tem thư hoặc bưu hoa là một ấn phẩm kích cỡ nhỏ do cơ quan có thẩm quyền đảm nhiệm công tác bưu chính phát hành ra. Chức năng ban đầu của tem chỉ dùng để thanh toán cước phí liên quan đến việc vận chuyển thư từ, bưu phẩm, do đó đề tài trên tem thường chỉ là các họa tiết, hoa văn, con số, chân dung nữ hoàng, vua chúa, biểu tượng hoàng gia…
Dần dần qua thời gian, người ta nhận thấy ngoài chức năng của mình, con tem còn có thể là công cụ tuyên truyền về mặt chính trị, văn hóa, quảng bá du lịch, giới thiệu về đất nước, con người hoặc truyền tải những thông điệp khác nhau. Từ đó, đề tài trên tem bưu chính ngày càng đa dạng, phong phú; các quốc gia thường giới thiệu hình ảnh, tôn vinh quốc gia mình trên tem bưu chính, xem nó là phương tiện để quảng bá. Chỉ cần nhìn hình ảnh trên con tem mà thế giới biết đến quốc gia đó vì khi phát hành, mỗi nước đều chọn lọc những hình ảnh, thành tựu khoa học kỹ thuật, truyền thống lịch sử, văn hóa, quốc hồn, quốc hoa, động thực vật đặc trưng tiêu biểu nhất…
Có thể nói, tem bưu chính như một tấm danh thiếp quốc gia, là đại sứ trong lĩnh vực đối ngoại, nó đi đến mọi đất nước mà không cần hộ chiếu, thị thực, không phân biệt lãnh thổ, khu vực, chính kiến, tôn giáo, tín ngưỡng, thể chế chính trị, chế độ xã hội, sắc tộc, màu da. Qua hình ảnh con tem, thế giới nhích lại gần nhau, hiểu biết nhau hơn.
Một trong những đề tài được phản ánh trên tem bưu chính thế giới là trà - một loại đồ uống lâu đời, phổ biến và nổi tiếng; bên cạnh đó là một số đề tài có liên quan đến trà như vật dụng dùng để pha chế, uống trà… Có một điều kỳ lạ là, dù trà được sử dụng nhiều trên thế giới, nhưng tem bưu chính đề cập đến trà không nhiều, nội dung lại phân tán, chính vì vậy việc hệ thống thông tin về trà trên tem rất khó và điều này càng làm cho những con tem về trà trở thành đối tượng săn tìm của giới sưu tầm tem.
Những con tem đầu tiên đề cập đến trà, đó là tem hái chè của Mozambique phát hành năm 1925, tiếp đó là tem hái chè của Ceylon (nay là Srilandka) phát hành năm 1936, 1938, 1940, tuy chung mẫu nhưng giá tiền và màu sắc khác nhau. Sau đó Nhật Bản cũng phát hành những mẫu tem đầu tiên cùng đề tài hái chè vào các năm 1949, 1951.
Từ đó về sau, những con tem với đề tài hái chè, thu hoạch chè ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là trên tem bưu chính các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè. Một số quốc gia, trong đó có Việt Nam thì phát hành những mẫu tem về cây chè cũng như cánh đồng trồng chè.
Trà từ một thứ đồ uống ở phương Đông dần dần lan tỏa khắp thế giới, trở nên thân quen trong đời sống thường nhật và đi cả vào nghệ thuật hội họa, phim ảnh…
Ngoài ra, một số nước còn phát hành những mẫu tem có hình ảnh một số loại trà nổi tiếng; hình ảnh trà cụ như ấm, chén, hộp trà, hũ trà cho đến bánh trà hay những cọng trà đã được sao sấy khô… Bên cạnh đó, còn có những sản phẩm xuất xứ từ cây chè như tinh dầu trà hoặc sản phẩm mới như trà sữa; ngoài ra còn có những sản phẩm mang hương vị của trà như kem trà, kẹo bánh vị trà và đỉnh cao hơn là trà đạo - nghệ thuật uống trà.
Qua đó, chúng ta có thể thấy vai trò của trà rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống xã hội trên khắp thế giới. Trà hiện diện dưới những góc độ khác nhau cũng cho thấy sức sáng tạo của con người đối với một loài thực vật độc đáo này gắn bó sâu đậm đến như thế nào.
NGUYỆT HÀ/THAINGUYEN.GOV.VN