Niềm vui lớn từ chợ tem nhỏ.

 
 
Đều đặn, ngày nắng cũng như ngày mưa, chín giờ sáng chủ nhật hằng tuần, những người chơi tem lại gặp nhau tại 160 Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tại đây, họ chia sẻ, trao đổi về những con tem bưu chính Việt Nam và nước ngoài, qua các giai đoạn lịch sử, theo từng chủ đề…
 
 
Ảnh: Ông Lê Đức Vân (đội mũ) sở hữu bộ tem độc đáo về hình ảnh người phụ nữ.
 
 
“Chợ tem”, thực tế chỉ gồm vài chiếc bàn nhựa đơn giản và khoảng hơn chục chiếc ghế được kê sát vỉa hè… Đây là cách gọi của những người chơi tem dành cho góc phố thân thiết này, nơi mà những người yêu tem hội ngộ, trò chuyện, mua bán, trao đổi tem.
 
Đeo chiếc túi vải chứa khoảng ba, bốn quyển tem, ông Lê Đức Vân đến chợ trong sự mong chờ của các bạn chơi tem. Được biết đến là người sở hữu bộ sưu tập tem độc đáo về người phụ nữ, dù đã hơn 90 tuổi, nhưng hiếm khi ông vắng mặt tại chợ tem sáng chủ nhật mỗi tuần. Chia sẻ quá trình sưu tập tem của mình, nguyên Chủ tịch Hội Tem Việt Nam cho biết: “Tôi chính thức sưu tập tem từ năm 1954. Sau này tôi phát triển nhiều chủ đề, trong đó dành công sức, tâm huyết để sưu tầm những con tem về hình ảnh người phụ nữ”... Hơn mười năm sưu tầm và hoàn thành bộ tem về chủ đề này, đến nay ông Vân sở hữu hàng nghìn con tem về phụ nữ Việt Nam và nước ngoài, với hơn 200 chân dung được chia theo các chuyên đề, như phụ nữ trong lĩnh vực thể thao, hình tượng phụ nữ Việt Nam trong lao động sản xuất, xây dựng đất nước, những tên tuổi phụ nữ trong chính giới… Ngoài ra, ông còn sở hữu nhiều bộ tem quý.
 
Có lẽ, dấu hiệu nhận diện người đến chợ tem chính là những chiếc túi to đựng những quyển tem dày cộp. Đến đây, mọi người nâng niu, hào hứng “khoe” tài sản của mình. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đạt (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) có niềm đam mê sưu tầm tem về Thủ đô, đồng thời dành nhiều tâm huyết cho tem bưu chính Việt Nam. Am hiểu về lịch sử tem nói chung, ông Đạt từng giành được nhiều giải thưởng về sưu tập tem trong các cuộc thi. Hơn 60 năm gắn bó, sưu tầm tem, nhà sưu tập tem kỳ cựu kể về chặng đường chơi tem bền bỉ của ông từ ngày đầu tiếp xúc với tem bưu chính, thời gian đi bộ đội, vào chiến trường, xuất ngũ về tham gia công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Ông đã tham gia giao lưu với các bạn tem tại phố Triệu Việt Vương 16 năm rồi.
 
Đối với người có tuổi, mỗi con tem là người bạn đồng hành, lưu dấu ấn thời gian và các mốc quan trọng trong cuộc đời. Còn với những người trẻ, con tem mang lại những giá trị về tri thức, chứa đựng thông tin, thông điệp lịch sử. Mỗi con tem bưu chính trong từng giai đoạn lại cung cấp kiến thức về các sự kiện, dữ liệu liên quan. Anh Đỗ Xuân Mạnh, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gây ấn tượng với bộ sưu tập những con tem trên bì thư, bưu thiếp, bưu ảnh… mà bạn bè nhiều nước trên thế giới gửi cho anh. Những con tem chứa đựng tình bạn thân thiết được gửi về từ Triều Tiên, Ôn-đu-rát, Đức, Nga… mở mang cho Mạnh thế giới bên ngoài, giúp Mạnh được du lịch nhiều vùng đất khác nhau... qua tem.
 
Để có chợ tem, trở thành sân chơi của những người yêu tem, không thể không nhắc tới nhà sưu tập tem Phạm Hào, người sáng lập chợ tem 160 Triệu Việt Vương. Là thầy giáo, họa sĩ, người có thâm niên sưu tầm tem và am hiểu về tem, ông Hào cho biết: Chợ tem thành lập từ năm 2002, họp đều đặn chỉ trừ mồng 1 Tết. Ban đầu, đây là nơi giao lưu của những người yêu thích tem, dần dần trở thành nơi mua bán, trao đổi của giới chơi tem.
 
Chợ tem lúc rộn ràng tiếng cười nói, lúc lại trầm lặng bởi mỗi người chăm chú, mê mải theo đuổi những khoảnh khắc riêng. Có người đến chỉ để ngắm tem, có người đến tìm mua bổ sung một vài con còn thiếu trong bộ sưu tập… Giản dị và gần gũi, chợ tem nhỏ này đang góp phần kết nối những người chung sở thích, đồng thời giúp Hà Nội lưu giữ một thú chơi văn hóa tinh tế trong nhịp sống hiện đại...
 
Bài và ảnh: NGỌC LIÊN/https://nhandan.vn/
 
 
 
 
 
 
 

See more news